Kế Hoạch Bảo vệ môi trường năm 2019 huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh

Thứ tư - 23/01/2019 22:00 1.027 0
Bảo vệ môi trường năm 2019 huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh

ỦY BAN NHÂN DÂN

HUYỆN TÂN BIÊN

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

                                                              

KẾ HOẠCH

Bảo vệ môi trường năm 2019 huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh

(Ban hành kèm theo Quyết định ……/QĐ-UBND ngày … tháng …. năm 2019

của UBND huyện Tân Biên)

__________________

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                  

PHẦN 1

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH VÀ DỰ TOÁN

NGÂN SÁCH SỰ NGHIỆP MÔI TRƯỜNG NĂM 2018

 

1. Đánh giá công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường ở địa phương năm 2018

          Trong năm 2018, UBND huyện Tân Biên đã ban hành kế hoạch bảo vệ môi trường tại địa phương, kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Xây dựng các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội lồng ghép với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.

          Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường trong nhân dân. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ về nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

          1.1. Công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường

Ủy ban nhân dân huyện đã tổ chức tuyên truyền về bảo vệ môi trường được 05 cuộc, trong đó tổ chức mitinh 01 cuộc có 300 người tham gia. Chỉ đạo phòng  chuyên môn phối hợp với UBND xã tổ chức các hoạt động hưởng ứng các ngày về bảo vệ môi trường: Treo băng rol tuyên truyền tại các trục đường chính, trường học, bệnh viện, trụ sở cơ quan, UBND các xã, thị trấn được 510m băng rol; thu dọn vệ sinh chất thải rắn sinh hoạt định kỳ và theo kế hoạch 2.406,09tấn, đạt 93% khối lượng phát sinh.

Nhận thức về công tác bảo vệ môi trường của nhân dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã được nâng lên đáng kể, đặc biệt là trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại, nước thải. Tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đạt tiêu chuẩn môi trường duy trì đạt 100%; tỷ lệ thu gom rác, chất thải nguy hại đạt chỉ tiêu kế hoạch (85%).

1.2. Công tác triển khai xây dựng các công trình thu gom, xử lý chất thải:

a. Về chất thải công nghiệp:

Phần lớn các cơ sở chế biến mủ cao su, chế biến bột khoai mì do UBND tỉnh trực tiếp quản lý: Có 9/9 nhà máy sản xuất bột khoai mì đang hoạt động đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải trong đó có 9/9 nhà máy đã được UBND tỉnh xác nhận hoàn thành hệ thống (loại A), trong năm có 03 dự án nhà máy chế biến bột khoai mì được đầu tư tại xã Thạnh Bắc, xã Thạnh Bình, xã Tân Bình; trên địa bàn huyện hiện có 09 nhà máy chế biết mủ cao su trong đó: 01 nhà máy hiện đang ngưng hoạt động, 06 nhà máy đã được xác nhận hệ thống xử lý (loại A), 01 nhà máy tái sử dụng lại hoàn toàn nước thải phát sinh, có 01 dự án nhà máy chế biến mủ cao su được đầu tư tại xã Thạnh Bắc.

Các lò sản xuất gạch thủ công đã được chuyển đổi công nghệ sang lò đốt theo công nghệ đốt hoffman, đạt tỷ lệ 100%. Các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ khác, mặc dù tải lượng chất thải nhỏ nhưng vẫn có khả năng gây ô nhiễm môi trường; những trường hợp này huyện đã chỉ đạo kiểm tra, kiến nghị các biện pháp khắc phục, xử lý chất thải, đến nay đã có 100% cơ sở xây dựng hệ thống xử lý chất thải; không phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

b.Về chất thải y tế:

Về xử lý rác thải y tế: Huyện Tân Biên có 01 Trung tâm y tế và 10/10 trạm y tế xã, thị trấn. Hiện tại 10/10 trạm y tế xã, thị trấn đều chuyển toàn bộ rác thải y tế về Trung tâm y tế để xử lý theo phương pháp đốt bằng lò đốt 02 cấp.

Về xử lý nước thải y tế: Trung tâm y tế đã được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường.

c. Chất thải khu dân cư:

Nước thải: Phần lớn các hộ dân đã ý thức được tác hại của nước thải sinh hoạt, đã xây hầm tự hoại để xử lý nước thải. Trong chăn nuôi: Xây dựng hầm biogas để xử lý nước thải và lấy khí gas làm nhiên liệu cho sinh hoạt.

Chất thải rắn sinh hoạt (rác thải): Các xã, thị trấn đều đã hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, xử lý rác theo quy định, tỷ lệ thu gom, xử lý đạt 85%

          1.3. Công tác kiểm tra, giám sát, xử lý, giải quyết khiếu nại về môi trường:

Ủy ban nhân dân huyện Tân Biên đã ban hành kế hoạch kiểm tra năm 2018, thành lập đoàn liên ngành để thực hiện kế hoạch kiểm tra; Đoàn kiểm tra theo Quyết định số 326/QĐ-UBND ngày 27/02/2018 của UBND huyện Tân Biên đã thực hiện kiểm tra 89 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (sau đây gọi là cơ sở), có 05 cơ sở đang tạm ngưng hoạt động, 84 cơ sở được kiểm tra cho thấy:

          Về thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường: Các cơ sở đều thực hiện các biện pháp xử lý chất thải phát sinh tại cơ sở, áp dụng các biện pháp hạn chế tác động đến môi trường.

          + Xử lý nước thải sản xuất: Phát sinh tại 11 cơ sở, các cơ sở đều đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải. 73/84 cơ sở không phát sinh nước thải sản xuất, nước thải tại các cơ sở này chủ yếu là nước thải sinh hoạt, được xử lý bằng phương pháp hầm tự hoại trước khi thải vào hồ, ao tưới cây.

          + Xử lý khí thải: Phát sinh tại 08 cơ sở, các cơ sở đều đã áp dụng các biện pháp hạn chế phát thải khí thải bằng giải pháp công nghệ: Tăng nhiệt cháy, xử lý khí thải bằng phương pháp hấp thụ. 76/84 cơ sở không phát sinh khí thải đã thực hiện các biện pháp hạn chế bụi, mùi phát sinh từ quá trình sản xuất, chăn nuôi làm ảnh hưởng đến môi trường như: Che chắn xung quanh khu vực sản xuất, kinh doanh; xây tường gạch, trồng cây xanh; làm tủ kín để chứa thuốc bảo vệ thực vật.

          + Xử lý chất thải rắn: 70/84 cơ sở có phát sinh chất thải rắn sản xuất; chất thải rắn sản xuất được tái chế, tái sử dụng; một phần được hợp đồng thu gom, xử lý, các cơ sở nằm xa trục lộ tự xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh. Chất thải rắn sinh hoạt một phần được tái chế, một phần xử lý bằng phương pháp đốt hở, chôn lấp hợp vệ sinh; chất thải nguy hại chủ yếu phát sinh tại các nhà máy chế biến mủ cao su. Có 14/84 cơ sở  không phát sinh chất thải rắn (chủ yếu là các cơ sở khai thác khoáng sản vật liệu san lấp).

          Về thực hiện quản lý tài nguyên nước: 84/84 cơ sở sử dụng nước dưới đất để phục vụ cho quá trình sản xuất, sinh hoạt của người lao động và thực hiện các biện pháp bảo vệ giếng khai thác.

  Về giải quyết khiếu nại môi trường: Các đơn thư khiếu nại của nhân dân về môi trường đều được giải quyết kịp thời, nhanh chóng, không để tồn đọng. Trong năm, đã tiếp nhận 06 đơn khiếu nại, phản ánh của nhân dân, UBND huyện đã tổ chức xác minh, làm rõ, tổ chức hòa giải, yêu cầu áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường và người dân.

1.4 Kết quả thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về " Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường"

Ủy ban nhân dân huyện đã xây dựng Kế hoạch số 80/KH-UBND, ngày 04/5/2016 của UBND huyện Tân Biên về Kế hoạch công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) năm 2016-2020; đã ban hành Quyết định số 486/QĐ-UBND, ngày 04/5/2016 về việc kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và TKCN huyện Tân Biên, Quyết định số 487/QĐ-UBND, ngày 04/5/2016 về ban hành Quy chế tổ chức hoạt động của Ban chỉ huy PCTT – TKCN huyện. Đồng thời chỉ đạo các xã kiện toàn lại BCH phòng, chống lụt thiên tai và TKCN cấp xã và phân công nhiệm vụ từng thành viên cụ thể, đến nay có 10/10 xã, thị trấn đã kiện toàn Ban chỉ huy PCTT và TKCN cấp xã. Hàng năm huyện xây dựng phương án phòng tránh và rà soát, bổ sung phương án phòng, tránh ứng phó thiên tai cấp huyện và chỉ đạo các xã xây dựng phương án ứng phó, bổ sung các điểm sung yếu, số hộ dân phải sơ tán khi có thiên tai xảy ra.

Triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu lồng ghép vào công tác tuyên truyền giáo dục về bảo vệ môi trường hàng năm đến tất cả cán bộ các phòng, ban, xã và thị trấn trên địa bàn; tuyên truyền để người dân nhận thức đầy đủ những tác động biến đổi khí hậu đến việc phát triển kinh tế và đời sống xã hội dân cư. Khuyến cáo nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp để thích ứng với biến đổi khí hậu; cơ bản khắc phục tình trạng dịch bệnh trên cây mì (bệnh khảm lá cây mì).

Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện các dự án:  Xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh phục vụ công tác ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Đánh giá ảnh hưởng biến đổi khí hậu đến Tài nguyên nước của tỉnh. Đề xuất kế hoạch hoạt động và giải pháp ứng phó thích hợp.

Qua công tác tuyên truyền và những việc làm thiết thực, người dân đã nâng cao nhận thức, hiểu rõ hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của mình trong công tác bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ý thức được tác hại của chất thải, đã đề ra biện pháp hạn chế và xử lý chất thải do mình thải ra, 100% các cơ sở xây dựng hệ thống xử lý chất thải, số cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường tăng lên hàng năm, đến nay đã duy trì được 100% cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường.

Trong sản xuất nông nghiệp: Đã hạn chế sử dụng hoá chất trong canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản bằng việc sử dụng giống cây, vật nuôi có sức đề kháng cao, chăn nuôi áp dụng theo mô hình khép kín; thu gom và xử lý hợp vệ sinh đối với các loại bao bì chứa đựng hoá chất sau khi sử dụng.

Cơ quan nhà nước ở địa phương giữ vai trò chủ động duy trì hoạt động, thông tin kịp thời cho nhân dân cảnh giác, sẵn sàng đối phó khi có thiên tai, hạn chế tối đa thiệt hại cho dân khi có tình huống xấu xảy ra. Chủ động xây dựng phương án xử lý tình huống xấu nhất do thiên tai gây ra và nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh. Chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao kiến thức, năng lực thích ứng bảo đảm sinh kế cho nhân dân nhằm hạn chế tác động của thiên tai.

          2. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ, dự án bảo vệ môi trường và sử dụng ngân sách sự nghiệp môi trường năm 2018

2.1. Tình hình thực hiện các chỉ tiêu môi trường:

- Tỷ lệ che phủ rừng: 31%.

- Tỷ lệ dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh: 99,2%. Trong đó tỷ lệ dân số được cấp nước sạch: 64,5%.

- Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom: 85%.

- Tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý: 100%.

- Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đạt tiêu chuẩn môi trường: 100%.

2.2 Chất lượng môi trường:

a. Chất lượng môi trường nước mặt

Môi trường nước mặt mang tính chất trung tính đến axit nhẹ, sử dụng tốt cho nông nghiệp. Hàm lượng chất rắn lơ lửng tương đối cao tại các vị trí quan trắc, hệ thống kênh rạch trên địa bàn huyện tập trung nhiều cơ sở sản xuất phần nào cũng tác động tới nguồn nước mặt.

b. Chất lượng môi trường nước ngầm

Nhìn chung nước ngầm có chất lượng đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân, pH mang tính chất trung tính đến axit nhẹ. Các kết quả quan trắc, phân tích cho thấy chất lượng nước ngầm khá tốt, nhiều chỉ tiêu nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 09-MT:2015/BTNMT.

c. Chất lượng môi trường không khí xung quanh

Nhìn chung chất lượng môi trường không khí khá trong sạch, chỉ có một vài nơi có sự ô nhiễm nhẹ về hàm lượng bụi tổng và tiếng ồn, đặc biệt là tại khu vực trung tâm thị trấn nơi có mật độ giao thông cao. Bên cạnh đó còn có sự xuất hiện của các hàm lượng CO2, SO2, CO tại các vị trí quan trắc, tuy nhiên không đáng kể và thấp hơn tiêu chuẩn cho phép.

Hàm lượng các khí CO2, SO2, CO có giá trị cao tại các khu vực có mật độ giao thông qua lại nhiều. Tuy nhiên, các giá trị đều dưới ngưỡng cho phép theo quy chuẩn về chất lượng môi trường không khí xung quanh.

2.3. Tình hình phân bổ kinh phí sự nghiệp BVMT năm 2018:

- Kinh phí sự nghiệp môi trường: Dự toán giao 285.300.000 đồng, kinh phí thực hiện: 285.300.000 đồng, đạt 100%.

- Kinh phí hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt: Dự toán giao 2.851.696.000 đồng, kinh phí thực hiện: 2.851.696.000 đồng, đạt 100%.

3. Đánh giá chung

3.1. Công tác quản lý điều hành thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường

Ủy ban nhân dân huyện đã chủ động và tích cực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các ngành chức năng và UBND xã, thị trấn trong việc triển khai tổ chức thực hiện công tác quản lý Nhà nước về môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. UBND huyện đã chủ động lập quy hoạch và triển khai đạt kết quả tốt; Ban hành các kế hoạch kiểm tra, xử lý trên lĩnh vực môi trường, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu. Chỉ đạo các ngành chức năng của huyện phối hợp với UBND xã, thị trấn trong việc tổ chức thực hiện các kế hoạch của UBND huyện.

3.2. Kết quả đạt được trong hoạt động quản lý Nhà nước về môi trường trong thời gian qua

Công tác quản lý nhà nước về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện; được đông đảo nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh hưởng ứng, tham gia góp phần thực hiện hiệu quả. Cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường tại địa phương ngày càng được củng cố về biên chế và trình độ năng lực công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

          Khắc phục cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Số cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường tăng lên hàng năm, đến nay là 100%. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch được nâng lên. Công tác quản lý các cơ sở khai thác nước ngầm cũng được tăng cường.

Tỷ lệ cây xanh dọc các tuyến đường và độ che phủ của rừng đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch: Các tuyến đường chính trong khu vực thị trấn, đường liên xã được trồng cây xanh theo chương trình trồng 20.000 cây trên địa bàn huyện, tỷ lệ cây sống đạt 70% trở lên đảm bảo cảnh quan và bảo vệ môi trường. Tỷ lệ độ che phủ rừng là 31% đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Bảo vệ nghiêm ngặt rừng tự nhiên, đặc biệt là đối với các khu rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn, gồm: Khu rừng Văn hóa lịch sử Chàng Riệc, Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát; ngăn chặn triệt để việc săn bắt chim, thú trong danh mục cần bảo vệ.

3.3. Những hạn chế, khó khăn

          Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường tuy có quan tâm nhưng chưa thật sự sâu, rộng. Chưa tạo được thói quen của nhân dân về giữ gìn vệ sinh môi trường, vẫn còn tình trạng sử dụng phương pháp đốt hở để xử lý chất thải rắn sinh hoạt, xả rác không đúng nơi quy định và dọc các tuyến đường vẫn còn xảy ra, gây ô nhiễm môi trường; chưa phát huy hết vai trò của các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội tham gia vào công tác bảo vệ môi trường, vận động đoàn viên, hội viên hưởng ứng chương trình, kế hoạch bảo vệ môi trường của địa phương.

          Công tác quản lý, thanh, kiểm tra về môi trường chưa linh hoạt, do thiếu cán bộ và  thiếu các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ, khi phát hiện vi phạm, hoặc có đơn thư khiếu nại ngành chức năng phải thuê lấy mẫu; chưa phát hiện kịp thời những trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Chưa có chính sách khuyến khích thỏa đáng cho quần chúng nhân dân trong việc phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Chưa phát huy được các nguồn lực bên ngoài Nhà nước tham gia vào công tác bảo vệ môi trường. Chưa có đơn vị thu gom, xử lý chất thải rắn thông thường tại địa phương, chất thải rắn sinh hoạt phải hợp đồng với đơn vị ngoài huyện để xử lý nên chi phí cao.

 

PHẦN 2

KẾ HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NĂM 2019

 

1. Một số chỉ tiêu chủ yếu

- Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch hợp vệ sinh 96,5%, riêng tỷ lệ dân cư Thị trấn được sử dụng nước hợp vệ sinh 99%.

- Tỷ lệ che phủ rừng đạt: 31%.

-  Trên 85% chất thải rắn sinh hoạt ở Thị trấn và các khu dân cư tập trung trong huyện được thu gom, xử lý.

- Tỷ lệ chất thải nguy hại, chất thải y tế được thu gom, xử lý đúng quy định: 100%.

- Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động đảm bảo đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường: 100%.

2. Kế hoạch bảo vệ môi trường năm 2019

2.1. Công tác truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường:

Tiếp tục tổ chức triển khai, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật bảo vệ môi trường, thay đổi, đổi mới hình thức tuyên truyền để đạt hiệu quả cao hơn.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường đến cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức và có hành động thiết thực về công tác bảo vệ môi trường; các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tăng cường công tác truyền thông về bảo vệ môi trường nhân các sự kiện về môi trường trong năm như: Ngày Môi trường Thế giới 5/6, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn, Tuần lễ Nước sạch và vệ sinh môi trường, Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng Thế giới, Ngày thế giới về Rừng,...

Thực hiện chương trình hành động bảo vệ môi trường đảm bảo cho nền kinh tế địa phương phát triển bền vững. Từng bước xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ môi trường, phát triển mô hình cộng đồng dân cư tự quản trong hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng và phát triển gương điển hình tiên tiến trong hoạt động bảo vệ môi trường.

2.2. Hỗ trợ xử lý các điểm gây ô nhiễm môi trường bức xúc ở địa phương:

Hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở gây ô nhiễm môi trường để hoàn thành việc xử lý triệt để ô nhiễm môi trường. Rà soát, lập danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường mới phát sinh trên địa bàn, báo cáo UBND tỉnh xây dựng các phương án xử lý triệt để ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở này.

Khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh đầu tư, đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, công nghệ tái chế, tái sử dụng chất thải. Bố trí mới các cơ sở sản xuất phù hợp với quy hoạch; hạn chế đầu tư mới các cơ sở sản xuất quy mô lớn ngoài các khu, cụm công nghiệp.

Xây dựng kế hoạch và tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá các nguồn gây ô nhiễm môi trường lưu vực sông, suối, đặc biệt là các nguồn thải từ cụm công nghiệp, khu đông dân cư, các doanh nghiệp quy mô lớn ngoài cụm công nghiệp.

Xây dựng và thực hiện chương trình đánh giá hiện trạng môi trường địa phương, xây dựng cơ sở dữ liệu với các chỉ tiêu cơ bản về nước mặt, nước ngầm, không khí, nhằm dự báo các tác động bất lợi của môi trường đến cuộc sống của nhân dân. Lấy mẫu tại các điểm giáp biên giới Campuchia, phát hiện kịp thời những tác động môi trường do hoạt động sản xuất, kinh doanh của Campuchia để kiến nghị xử lý.

2.3. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về bảo vệ môi trường:

Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đặc biệt là các cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo quyết định của UBND tỉnh; giải quyết kịp thời các đơn thư kiếu nại, tố cáo về ô nhiễm môi trường và xử lý nghiêm các cơ sở không thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường hằng năm và các cơ sở khác vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Tăng cường công tác kiểm soát chất lượng nước tại suối Ky, suối Tre, thượng nguồn sông Vàm Cỏ thông qua chương trình quan trắc môi trường hàng năm; quản lý chặt chẽ chất thải, nhất là chất thải nguy hại trong sản xuất công nghiệp, dịch vụ, y tế; kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu, việc sử dụng phân hóa học, hóa chất bảo quản nông sản và thuốc phòng trừ dịch bệnh trong nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản;

Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường, thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo kế hoạch bảo vệ môi trường đã được xác nhận trước khi dự án đi vào hoạt động chính thức.

2.4. Tăng cường năng lực bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường:

Kiện toàn và bố trí cán bộ đủ năng lực thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; tiếp tục cử cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường đi tập huấn, học tập theo các chương trình tập huấn, đào tạo do tỉnh tổ chức;

Hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật các hoạt động bảo vệ môi trường của các tổ chức chính trị xã hội; tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và an toàn sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu trong các hội, đoàn thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài và các trương trình truyền thông về môi trường nhân các sự kiện về môi trường;

Xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn huyện và thực hiện chương trình đánh giá hiện trạng môi trường của địa phương năm 2019.

2.5. Công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường:

Tiếp tục xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước, cam kết về bảo vệ môi trường và các mô hình tự quản về môi trường của cộng đồng dân cư kết hợp với xây dựng nông thôn mới.

Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích cá nhân, tổ chức và cộng đồng tham gia công tác bảo vệ môi trường. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia các dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải và các dịch vụ khác về bảo vệ môi trường.

Phát triển các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ môi trường. Đề cao trách nhiệm, tăng cường sự tham gia có hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, các phương tiện truyền thông trong hoạt động bảo vệ môi trường.

Phát triển các mô hình cộng đồng dân cư tự quản, các gương điển hình tiên tiến trong hoạt động bảo vệ môi trường.

2.6. Công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực về môi trường:

Tiếp tục phân bổ kinh phí, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu khoa học, thực hiện các đề tài, dự án bảo vệ môi trường nhằm mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Thực hiện chương trình đo đạc hiện trạng môi trường trên địa bàn huyện, tiến hành lấy 11 mẫu nước ngầm, 07 mẫu nước mặt, 4 mẫu không khí theo chương trình giám sát môi trường hàng năm để phân tích, phục vụ cho công tác quản lý môi trường, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, dự báo, cảnh báo các tác động xấu đến sức khỏe người dân.

Tiếp cận với các giải pháp công nghệ trong xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái và sự cố môi trường; sử dụng có hiệu quả tài nguyên, năng lượng; ứng dụng và phát triển công nghệ sạch, thân thiện với môi trường.

3. Tổ chức thực hiện

Để tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch Bảo vệ môi trường năm 2019, UBND huyện yêu cầu các ban, ngành của huyện, UBND các xã, thị trấn và các đơn vị có liên quan có trách nhiệm:

- Căn cứ nội dung Kế hoạch này, xây dựng và triển khai thực hiện các nội dung về bảo vệ môi trường thuộc phạm vi địa phương và ngành quản lý.

- Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban, UBND xã, thị trấn trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở địa phương.

Trên đây là Kế hoạch bảo vệ môi trường năm 2019 của huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh./.

 

* Xem chi tiết tại đây (File đính kèm): TanBien0866.pdf

 

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập22
  • Hôm nay961
  • Tháng hiện tại101,095
  • Tổng lượt truy cập4,948,722
hoc tap va lam theo
cong khai minh bach
gop y du thao
hop thu dien tu
cong bao tay ninh
Hỏi đáp trực tuyến
Thi hành pháp luật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây