30 CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM VỀ PHÁP LUẬT HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ

Thứ hai - 04/11/2024 11:01 177 0

1. Nội dung nào sau đây không phải là nguyên tắc của hòa giải ở cơ sở?

A. Khách quan, công bằng, kịp thời, có lý, có tình.

B. Tôn trọng sự tự nguyện của các bên.

C. Hòa giải trực tiếp, bằng tiếng Việt.

D. Bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.

ĐÁP ÁN: C. Căn cứ Điều 4 của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.

Điều 4. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở

1. Tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên trong hòa giải ở cơ sở.

2. Bảo đảm phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân; phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư; quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật và người cao tuổi.

3. Khách quan, công bằng, kịp thời, có lý, có tình; giữ bí mật thông tin đời tư của các bên, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 10 của Luật này.

4. Tôn trọng ý chí, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.

5. Bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.

6. Không lợi dụng hòa giải ở cơ sở để ngăn cản các bên liên quan bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật hoặc trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính, xử lý về hình sự.

2. Hòa giải viên ở cơ sở không được tiến hành hòa giải mâu thuẫn nào sau đây?

A. Mâu thuẫn trong việc đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

B. Mâu thuẫn từ giao dịch vay, mượn tiền.

C. Mâu thuẫn phân chia di sản thừa kế.

D. Mâu thuẫn từ giao dịch mua, bán động vật hoang dã, quý hiếm.

ĐÁP ÁN: D

Căn cứ Điều 234 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi điểm a khoản 57 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã điểm c khoản 2 Điều 5 của Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở về các trường hợp không được hòa giải ở cơ sở.

3. Tổ hòa giải có được tiến hành hòa giải tranh chấp về họ, hụi, biêu, phường không?

A. Không được tiến hành hòa giải.

B. Được tiến hành hòa giải.

C. Được tiến hành hòa giải nếu giá trị tranh chấp nhỏ hơn 10 triệu đồng.

D. Chỉ tiến hành hòa giải khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã yêu cầu.

ĐÁP ÁN: B

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 5 của Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở và khoản 1 Điều 25 của Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường.

Điều 5. Phạm vi hòa giải ở cơ sở (Nghị định số 15/2014/NĐ-CP)

1. Hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật sau đây:

b) Tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự như tranh chấp về quyền sở hữu, nghĩa vụ dân sự, hợp đồng dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất;

Điều 25. Giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm (Nghị định số 19/2019/NĐ-CP)

1. Trong trường hợp có tranh chấp về họ hoặc phát sinh từ họ thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hoà giải hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

4. Nội dung nào sau đây không phải là tiêu chuẩn của hòa giải viên?

A. Có phẩm chất đạo đức tốt.

B. Có uy tín trong cộng đồng dân cư.

C. Có khả năng thuyết phục, vận động Nhân dân.

D. Có trình độ từ trung cấp luật trở lên.

ĐÁP ÁN: D. Căn cứ Điều 7 của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.

“Điều 7. Tiêu chuẩn hòa giải viên

Người được bầu làm hòa giải viên phải là công dân Việt Nam thường trú tại cơ sở, tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải và có các tiêu chuẩn sau đây:

1. Có phẩm chất đạo đức tốt; có uy tín trong cộng đồng dân cư;

2. Có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân; có hiểu biết pháp luật.”

5. Việc tổ chức bầu hòa giải viên do ai chủ trì?

A. Trưởng ban công tác Mặt trận.

B. Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố.

C. Bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố.

D. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

ĐÁP ÁN: A. Căn cứ khoản 2 Điều 8 của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.

Điều 8. Bầu, công nhận hòa giải viên

2. Trưởng ban công tác Mặt trận chủ trì, phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố tổ chức bầu hòa giải viên ở thôn, tổ dân phố bằng một trong các hình thức…….

6. Theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, người được đề nghị công nhận là hòa giải viên phải đạt bao nhiêu phần trăm (%) đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố đồng ý?

A. Trên 75%.

B. Trên 70%.

C. Trên 60%.

D. Trên 50%.          

ĐÁP ÁN: D. Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 8 của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.

Điều 8. Bầu, công nhận hòa giải viên

3. Kết quả bầu hòa giải viên:

a) Người được đề nghị công nhận là hòa giải viên phải đạt trên 50% đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố đồng ý.

7. Hòa giải viên có trách nhiệm nào sau đây?

A. Hàng tháng, báo cáo hoạt động hòa giải của mình với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

B. Hòa giải vụ, việc trong thời gian 10 ngày khi được phân công.

C. Ghi nội dung vụ, việc hòa giải vào Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở.

D. Tham gia bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải ở cơ sở ít nhất 01 lần/năm.

ĐÁP ÁN: C. Căn cứ khoản 4 Điều 21 của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.

Điều 21. Tiến hành hòa giải

4. Hòa giải viên có trách nhiệm ghi nội dung vụ, việc hòa giải vào Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở.

8. Tổ trưởng Tổ hòa giải có trách nhiệm nào sau đây?

A. Bảo đảm kinh phí hoạt động của Tổ hòa giải.

B. Báo cáo hằng năm về tổ chức và hoạt động của Tổ hòa giải với Ủy ban nhân dân, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.

C. Báo cáo kết quả hoạt động của Tổ hòa giải tại hội nghị cuối năm của thôn, tổ dân phố.

D. Tập hợp đơn thư, phản ánh, đề nghị của Nhân dân trong thôn để tiến hành hòa giải.

ĐÁP ÁN: B. Căn cứ: Khoản 5 Điều 15 của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.

Điều 15. Quyền và nghĩa vụ của tổ trưởng tổ hòa giải

5. Báo cáo hằng năm và báo cáo đột xuất về tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải với Ủy ban nhân dân, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.

9. Phương án nào sau đây không thuộc trách nhiệm của Tổ hòa giải?

A. Tổ chức trao đổi kinh nghiệm, thảo luận các giải pháp để tiến hành hòa giải vụ, việc phức tạp.

B. Báo cáo kịp thời với Ủy ban nhân dân cấp xã về những hành vi vi phạm pháp luật trong thôn.

C. Kiến nghị với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Uỷ ban nhân dân cấp xã về hoạt động hòa giải ở cơ sở, các điều kiện cần thiết cho hoạt động hòa giải ở cơ sở.

D. Đề nghị khen thưởng tổ hòa giải, hòa giải viên có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải.

Đáp án: B. Căn cứ Điều 13 của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.

Điều 13. Trách nhiệm của tổ hòa giải

1. Tổ chức thực hiện hòa giải.

2. Tổ chức trao đổi kinh nghiệm, thảo luận các giải pháp để tiến hành hòa giải vụ, việc phức tạp.

3. Phối hợp với Ban công tác Mặt trận, Chi hội phụ nữ, Chi đoàn thanh niên, Chi hội cựu chiến binh, Chi hội nông dân, Chi hội người cao tuổi, các tổ hòa giải và tổ chức, cá nhân khác trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.

4. Kiến nghị với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Uỷ ban nhân dân cấp xã về hoạt động hòa giải ở cơ sở, các điều kiện cần thiết cho hoạt động hòa giải ở cơ sở.

5. Đề nghị khen thưởng tổ hòa giải, hòa giải viên có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải.

10. Phương án nào sau đây không phải là quyền của hòa giải viên?

A. Được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải.

B. Hưởng thù lao theo vụ, việc khi thực hiện hòa giải.

C. Được khen thưởng theo quy định pháp luật về thi đua khen thưởng.

D. Được Ủy ban nhân dân cấp xã cung cấp tài liệu về hoạt động của thôn, tổ dân phố.

ĐÁP ÁN: D. Căn cứ Điều 9 của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.

Điều 9. Quyền của hòa giải viên

1. Thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở.

2. Đề nghị các bên có liên quan cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến vụ, việc hòa giải.

3. Tham gia sinh hoạt, thảo luận và quyết định nội dung, phương thức hoạt động của tổ hòa giải.

4. Được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải; được cung cấp tài liệu liên quan đến hoạt động hòa giải.

5. Hưởng thù lao theo vụ, việc khi thực hiện hòa giải.

6. Được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

7. Được hỗ trợ, tạo điều kiện để khắc phục hậu quả nếu gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải.

8. Kiến nghị, đề xuất về các vấn đề liên quan đến hoạt động hòa giải.

11. Khi tiến hành hòa giải, hòa giải viên không có quyền nào sau đây?

A. Quy định phương án giải quyết tranh chấp cho các bên phải thực hiện.

B. Gợi ý phương án giải quyết tranh chấp để các bên thống nhất lựa chọn.

C. Phân tích quy định pháp luật cho các bên hiểu quyền và nghĩa vụ của họ.

D. Nêu hậu quả pháp lý nếu các bên tiếp tục tranh chấp.

Đáp án: A. Căn cứ khoản 1 Điều 4 và khoản 4 Điều 17 của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.

Điều 4. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở

1. Tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên trong hòa giải ở cơ sở.

Điều 17. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hòa giải

4. Được bày tỏ ý chí và quyết định về nội dung giải quyết hòa giải.

12. Việc thôi làm hòa giải viên được thực hiện trong trường hợp nào sau đây?

A. Sau thời gian 05 năm làm hòa giải viên.

B. Được tuyển dụng làm công chức chuyên trách của chính quyền cấp xã.

C. Theo nguyện vọng của hòa giải viên.

D. Không tiến hành hòa giải vụ, việc nào trong 02 năm liên tiếp.

ĐÁP ÁN: C. Căn cứ khoản 1 Điều 11 của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.

Điều 11. Thôi làm hòa giải viên

1. Việc thôi làm hòa giải viên được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Theo nguyện vọng của hòa giải viên;

b) Hòa giải viên không còn đáp ứng một trong các tiêu chuẩn quy định tại Điều 7 của Luật này;

c) Vi phạm nguyên tắc tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định tại Điều 4 của Luật này hoặc không có điều kiện tiếp tục làm hòa giải viên do bị xử lý vi phạm pháp luật.

13. Phương án nào sau đây không phải là căn cứ tiến hành hòa giải ở cơ sở?

A. Có đơn yêu cầu hòa giải của một bên.

B. Đơn tố cáo tội phạm của người dân trong thôn.

C. Theo đề nghị của Chi hội liên hiệp phụ nữ thôn.

D. Hòa giải viên chứng kiến hoặc biết vụ, việc thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở.

ĐÁP ÁN: B. Căn cứ Điều 16 của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.

Điều 16. Căn cứ tiến hành hòa giải

Hòa giải ở cơ sở được tiến hành khi có một trong các căn cứ sau đây:

1. Một bên hoặc các bên yêu cầu hòa giải;

2. Hòa giải viên chứng kiến hoặc biết vụ, việc thuộc phạm vi hòa giải;

3. Theo phân công của tổ trưởng tổ hòa giải hoặc đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

14. Việc hòa giải được tiến hành ở đâu?

A. Phải được tiến hành tại trụ sở Uỷ ban nhân dân xã.

B. Phải được tiến hành tại nhà văn hóa của khu dân cư.

C. Phải được tiến hành tại nhà của hòa giải viên.

D. Do các bên hoặc hòa giải viên lựa chọn, bảo đảm thuận lợi cho các bên.

ĐÁP ÁN: D. Căn cứ khoản 1 Điều 20 của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.

Điều 20. Địa điểm, thời gian hòa giải

1. Địa điểm hòa giải là nơi xảy ra vụ, việc hoặc nơi do các bên hoặc hòa giải viên lựa chọn, bảo đảm thuận lợi cho các bên.

15. Các bên tranh chấp, mâu thuẫn trong hòa giải ở cơ sở có nghĩa vụ nào sau đây?

A. Trình bày nội dung vụ việc bằng văn bản tại buổi hòa giải.

B. Phải làm đơn khi yêu cầu tạm dừng hoặc chấm dứt hòa giải.

C. Tuân thủ yêu cầu của hòa giải viên về việc tiến hành hòa giải công khai hoặc không công khai.

D. Trình bày đúng sự thật các tình tiết của vụ, việc; cung cấp tài liệu, chứng cứ có liên quan.

ĐÁP ÁN: D. Căn cứ Điều 17 của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.

Điều 17. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hòa giải

1. Lựa chọn, đề xuất hòa giải viên, địa điểm, thời gian để tiến hành hòa giải.

2. Đồng ý hoặc từ chối hòa giải; yêu cầu tạm dừng hoặc chấm dứt hòa giải.

3. Yêu cầu việc hòa giải được tiến hành công khai hoặc không công khai.

4. Được bày tỏ ý chí và quyết định về nội dung giải quyết hòa giải.

5. Trình bày đúng sự thật các tình tiết của vụ, việc; cung cấp tài liệu, chứng cứ có liên quan.

6. Tôn trọng hòa giải viên, quyền của các bên có liên quan.

7. Không gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa điểm hòa giải.

16. Nhận định nào sau đây không chính xác về người được mời tham gia hòa giải ở cơ sở?

A. Người có uy tín trong dòng họ, ở nơi sinh sống, nơi làm việc có thể được mời tham gia hòa giải ở cơ sở.

B. Người có trình độ pháp lý, có kiến thức xã hội có thể được mời tham gia hòa giải ở cơ sở.

C. Người được mời tham gia hòa giải phải tuân thủ các nguyên tắc hoạt động hòa giải ở cơ sở.

D. Người được mời tham gia hòa giải có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của hòa giải viên.

ĐÁP ÁN: D. Căn cứ Điều 19 của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.

Điều 19. Người được mời tham gia hòa giải

1. Trong quá trình hòa giải, nếu thấy cần thiết, hòa giải viên và một trong các bên khi được sự đồng ý của bên kia có thể mời người có uy tín trong dòng họ, ở nơi sinh sống, nơi làm việc; người có trình độ pháp lý, có kiến thức xã hội; già làng , chức sắc tôn giáo, người biết rõ vụ, việc; đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc người có uy tín khác tham gia hòa giải.

2. Người được mời tham gia hòa giải phải tuân thủ các nguyên tắc hoạt động hòa giải ở cơ sở.

3. Cơ quan, tổ chức có người được mời tham gia hòa giải có trách nhiệm tạo điều kiện để họ tham gia hòa giải.

17. Trừ trường hợp cần thiết phải hòa giải ngay khi chứng kiến vụ, việc hoặc các bên có thỏa thuận khác thì hòa giải viên phải bắt đầu tiến hành hòa giải trong thời gian nào kể từ ngày được phân công?

A. 15 ngày.

B. 10 ngày.

C. 05 ngày.

D. 03 ngày.

ĐÁP ÁN: D. Căn cứ khoản 2 Điều 20 của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.

Điều 20. Địa điểm, thời gian hòa giải

2. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày được phân công, hòa giải viên bắt đầu tiến hành hòa giải, trừ trường hợp cần thiết phải hòa giải ngay khi chứng kiến vụ, việc hoặc các bên có thỏa thuận khác về thời gian hòa giải.

18. Ai thực hiện việc hòa giải khi các bên mâu thuẫn, tranh chấp ở thôn, tổ dân phố khác nhau?

A. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có mâu thuẫn, tranh chấp.

B. Tổ trưởng tổ hòa giải hoặc hòa giải viên được phân công hòa giải ở các thôn, tổ dân phố đó phối hợp, trao đổi thông tin, bàn về biện pháp hòa giải.  

C. Công chức Tư pháp – Hộ tịch xã, phường, thị trấn nơi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp.

D. Trưởng Công an cấp xã nơi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp.

ĐÁP ÁN: B. Căn cứ Điều 8 của Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở.

Điều 8. Thực hiện hòa giải giữa các bên ở thôn, tổ dân phố khác nhau

1. Trong trường hợp các bên ở thôn, tổ dân phố khác nhau, thì tổ trưởng tổ hòa giải hoặc hòa giải viên được phân công hòa giải ở các thôn, tổ dân phố đó phối hợp, trao đổi thông tin, bàn về biện pháp tiến hành hòa giải và thông báo với Trưởng ban công tác Mặt trận tại nơi đó cùng phối hợp giải quyết.

2. Các hòa giải viên phối hợp tiến hành hòa giải và thông báo kịp thời với tổ trưởng tổ hòa giải về kết quả hòa giải.

19. Nhận định nào sau đây là đúng về việc lập văn bản hòa giải thành?

A. Các bên có thể thỏa thuận lập văn bản hòa giải thành.

B. Các bên phải lập văn bản hòa giải thành.

C. Hòa giải viên phải lập văn bản hòa giải thành để làm căn cứ thanh toán thù lao hòa giải.

D. Hòa giải viên phải lập văn bản hòa giải thành để làm căn cứ thống kê.

ĐÁP ÁN: A. Căn cứ khoản 2 Điều 24 của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.

Điều 24. Hòa giải thành

2. Các bên có thể thỏa thuận lập văn bản hòa giải thành gồm các nội dung chính sau đây:

a) Căn cứ tiến hành hòa giải;

b) Thông tin cơ bản về các bên;

c) Nội dung chủ yếu của vụ, việc;

d) Diễn biến của quá trình hòa giải;

đ) Thỏa thuận đạt được và giải pháp thực hiện;

e) Quyền và nghĩa vụ của các bên;

g) Phương thức, thời hạn thực hiện thỏa thuận;

h) Chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên và của hòa giải viên.

20. Hòa giải viên quyết định kết thúc hòa giải ở cơ sở trong trường hợp nào sau đây?

A. Sau 03 lần hòa giải không thành.

B. Sau 05 lần hòa giải không thành.

C. Một bên vắng mặt cả 02 lần mời đến hòa giải.

D. Khi các bên không đạt được thỏa thuận và việc tiếp tục hòa giải cũng không thể đạt được kết quả.

ĐÁP ÁN: D. Căn cứ khoản 3 Điều 23 của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.

Điều 23. Kết thúc hòa giải

1. Các bên đạt được thỏa thuận.

2. Một bên hoặc các bên yêu cầu chấm dứt hòa giải.

3. Hòa giải viên quyết định kết thúc hòa giải khi các bên không thể đạt được thỏa thuận và việc tiếp tục hòa giải cũng không thể đạt được kết quả.

21. Người nào sau đây có quyền đề nghị công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án?

A. Hòa giải viên ở cơ sở.

B. Một hoặc cả hai bên tham gia thỏa thuận hòa giải.

C. Tổ trưởng tổ hòa giải.

D. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp.

ĐÁP ÁN: B. Căn cứ khoản 3 Điều 417 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015

Điều 417. Điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án

3. Một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu Tòa án công nhận.

22. Cơ quan nào có thẩm quyền công nhận kết quả hoà giải thành ngoài Tòa án?

A. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi người yêu cầu cư trú, làm việc.

B. Toà án nhân dân cấp huyện nơi người yêu cầu cư trú, làm việc.

C. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người yêu cầu cư trú, làm việc.

D. Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi người yêu cầu cư trú, làm việc.

ĐÁP ÁN: B

Căn cứ Khoản 7 Điều 27; Điểm a Khoản 2 Điều 35 và Điểm s Khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì Toà án nhân dân cấp huyện nơi người yêu cầu cư trú, làm việc có thẩm quyền công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án.

23. Nội dung nào dưới đây không phải là một trong các điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án?

A. Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.

B. Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải. Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý.

C. Kết quả hòa giải thành đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận.

D. Một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu Tòa án công nhận.

ĐÁP ÁN: C. Căn cứ Điều 417 của Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Điều 417. Điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án

1. Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.

2. Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải. Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý.

3. Một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu Tòa án công nhận.

4. Nội dung thỏa thuận hòa giải thành của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba.

24. Người yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án phải gửi đơn đến Tòa án trong thời hạn bao lâu kể từ ngày các bên đạt được thỏa thuận hòa giải thành?

A. 03 tháng.

B. 06 tháng.

C. 09 tháng.

D. 12 tháng.

ĐÁP ÁN: B. Căn cứ khoản 1 Điều 418 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Điều 418. Đơn yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án

1. Người yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án phải gửi đơn đến Tòa án trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày các bên đạt được thỏa thuận hòa giải thành.

25. Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án có hiệu lực thi hành khi nào?

A. Có hiệu lực ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

B. Có hiệu lực ngay, trừ trường hợp bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

C. Có hiệu lực được xác định trong Quyết định công nhận.

D. Có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký Quyết định công nhận.

ĐÁP ÁN: A. Căn cứ khoản 8 Điều 419 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Điều 419. Thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án

8. Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

26. Nội dung nào sau đây không thuộc nội dung chi cho tổ hòa giải, hòa giải viên?

A. Chi hỗ trợ để mua văn phòng phẩm phục vụ hoạt động của tổ hòa giải.

B. Chi thù lao cho hòa giải viên theo vụ, việc.

C. Chi tổ chức các cuộc họp, sơ kết, tổng kết hoạt động của tổ hòa giải.

D. Chi bồi dưỡng, tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng về hòa giải ở cơ sở.

ĐÁP ÁN: D. Căn cứ Điều 13 của Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở.

Điều 13. Nội dung hỗ trợ kinh phí cho tổ hòa giải và hòa giải viên

1. Chi hỗ trợ để mua văn phòng phẩm; mua, sao chụp tài liệu phục vụ hoạt động của tổ hòa giải; tổ chức các cuộc họp, sơ kết, tổng kết hoạt động của tổ hòa giải.

2. Chi thù lao cho hòa giải viên theo vụ, việc; chi hỗ trợ cho hòa giải viên khi gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải.

27. Khi lập hồ sơ đề nghị thanh toán thù lao cho hòa giải viên, tổ trưởng tổ hòa giải cần phải nộp giấy tờ nào sau đây?

A. Giấy đề nghị thanh toán thù lao của hòa giải viên.

B. Bản chính Biên bản hòa giải ở cơ sở.

C. Bản chính Quyết định công nhận hòa giải viên ở cơ sở.

D. Bản chính Đơn yêu cầu hòa giải ở cơ sở.

ĐÁP ÁN: A. Căn cứ khoản 1 Điều 15 của Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở.

Điều 15. Thủ tục thanh toán thù lao cho hòa giải viên

1. Tổ trưởng tổ hòa giải lập hồ sơ đề nghị thanh toán thù lao cho hòa giải viên, bao gồm: Giấy đề nghị thanh toán thù lao của hòa giải viên có ghi rõ họ, tên, địa chỉ của hòa giải viên; tên, địa chỉ tổ hòa giải; số tiền đề nghị thanh toán; nội dung thanh toán (có danh sách các vụ, việc trong trường hợp đề nghị thanh toán thù lao cho nhiều vụ, việc); chữ ký của hòa giải viên; chữ ký xác nhận của tổ trưởng tổ hòa giải và xuất trình Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở để đối chiếu khi cần thiết.

28. Mức chi thù lao cho hòa giải viên đối với vụ, việc hòa giải thành theo Thông tư số 56/TT-BTC ngày 18/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính là bao nhiêu tiền?

A. 350.000 đồng/vụ, việc.

B. Tối đa 350.000 đồng/vụ, việc.

C. 400.000 đồng/vụ, việc.

D. Tối đa 400.000 đồng/vụ, việc.

ĐÁP ÁN: D. Căn cứ điểm a khoản 17 Điều 3, khoản 1 Điều 5 của Thông tư số 56/TT-BTC ngày 18/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Điều 3. Nội dung chi và mức chi

17. Các khoản chi công tác hòa giải ở cơ sở:

a) Chi thù lao cho hòa giải viên (đối với các hòa giải viên trực tiếp tham gia vụ, việc hòa giải): 300.000 đồng/vụ, việc. Trường hợp vụ, việc hòa giải thành theo Điều 24 Luật Hòa giải ở cơ sở: 400.000 đồng/vụ, việc;

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Mức chi thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở quy định tại Thông tư này là mức chi tối đa….

29. Mức chi hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải theo Thông tư số 56/TT-BTC ngày 18/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính là bao nhiêu tiền?

A. 150.000 đồng/Tổ hòa giải/tháng.

B. Tối thiểu 150.000 đồng/Tổ hòa giải/tháng.

C. Tối đa 150.000 đồng/Tổ hòa giải/tháng.

D. Từ 100.000 - 150.000 đồng/Tổ hòa giải/tháng.

ĐÁP ÁN: C. Căn cứ điểm đ khoản 17 Điều 3, khoản 1 Điều 5 Thông tư số 56/TT-BTC ngày 18/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Điều 3. Nội dung chi và mức chi

17. Các khoản chi công tác hòa giải ở cơ sở:

đ) Chi hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải (chi mua văn phòng phẩm, sao chụp tài liệu, nước uống phục vụ các cuộc họp của tổ hòa giải): 150.000 đồng/tổ hòa giải/tháng.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Mức chi thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở quy định tại Thông tư này là mức chi tối đa.

30. Thời hạn Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định và trả thù lao cho hòa giải viên là bao nhiêu ngày?

A. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

B. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

C. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ

D. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

ĐÁP ÁN: B. Căn cứ khoản 2 Điều 15 của Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở.

Điều 15. Thủ tục thanh toán thù lao cho hòa giải viên

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định và trả thù lao cho hòa giải viên thông qua tổ hòa giải; trường hợp quyết định không thanh toán cho hòa giải viên thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

 

Nguồn tin: Phòng Tư pháp Huyện Tân Biên:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập91
  • Hôm nay6,299
  • Tháng hiện tại63,201
  • Tổng lượt truy cập6,626,834
hoc tap va lam theo
cong khai minh bach
quang ba ten mien .vn
gop y du thao
hop thu dien tu
cong bao tay ninh
Hỏi đáp trực tuyến
Thi hành pháp luật
Cổng Thông Tin Pháp Điển
QR NỘI VỤ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây