DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA
CĂN CỨ TRUNG ƯƠNG CỤC MIỀN NAM
Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam tại khu vực Chàng Riệt cạnh suối "Tiên Cô" thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Cách thành phố Tây Ninh chừng 64km về hướng bắc theo quốc lộ 22B.
NHÀ TRUYỀN THỐNG CĂN CỨ TRUNG ƯƠNG CỤC MIỀN NAM
Tiền thân của Trung ương Cục là Xứ ủy Nam bộ. Sau đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (1951), Xứ ủy Nam bộ chuyển từ Tây Nam bộ về Đông Nam bộ và chọn Đồng Rùm làm căn cứ. Sau đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (1960) - Trung ương Cục miền Nam được thành lập trực thuộc Trung ương Đảng. Phạm vi lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp từ cực Nam Trung bộ và Nam bộ (gọi là B2).
Trung ương Cục miền Nam đầu tiên đóng tại Mã Đà – chiến khu Đ, đến tháng 2/1961 chuyển về Bắc Tây Ninh với phiên hiệu là Cục R. Qua nhiều lần di chuyển và xây dựng căn cứ trên đất Tây Ninh, tháng 8/1972 Văn phòng Trung ương Cục chuyển về địa điểm hiện nay, cho đến ngày 30/4/1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Toàn bộ khu căn cứ rộng 72ha, giữa khu rừng già, cách biên giới Việt Nam – Campuchia 3km. Khu vực ngoại vi căn cứ được xây dựng nhiều tuyến bảo vệ với hệ thống chốt, trạm gác. Bên trong có các cơ quan trực thuộc Trung ương Cục như: Ban An ninh, Ban Tuyên huấn, Bộ chỉ huy Quân sự Miền, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Ban Hậu cần, Đài Phát thanh, Bệnh viện, Nhà in, Công binh xưởng. Song song đó còn hình thành một đơn vị hành chính huyện, xã, trong khu căn cứ (có lúc phân ra 13 huyện trong căn cứ).
Trong căn cứ có hệ thống giao thông hào, công sự chiến đấu, các lối đi mòn và hệ thống nhà, nhà làm việc của các nhà lãnh đạo như: Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Phạm Thái Bường, Phan Văn Đáng, Phạm Văn Xô, Trần Nam Trung…
Trong khu di tích, ngoài những cây rừng cổ thụ còn có những cây ăn quả, được cán bộ chiến sĩ trồng mới như xoài, khế, me, bưởi…
Dưới mỗi ngôi nhà đều có hầm trú ẩn (hầm chữ A) và đường hầm thông ra hệ thống giao thông hào. Nhà ở xây dựng theo kiểu 3 gian, cột tròn, mái lợp lá "trung quân".
Ngoài các công trình nhà ở, hầm giao thông, còn có hội trường lớn và hội trường nhỏ cùng các trang thiết bị sinh hoạt và làm việc như: máy phát điện, hệ thống điện thoại, vô tuyến điện, các phương tiện đi lại như: xe đạp, xe gắn máy và ô tô. Trong di tích còn có các khu sản xuất, khu "vườn" của cán bộ chiến sĩ trồng rau xanh, cây cảnh… Di tích còn bảo tồn một số hố bom B52 do địch thả xuống trong những năm chiến tranh.
Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam là một trong những di tích lịch sử cách mạng có tầm quan trọng đặc biệt. Trong các năm 1993 - 1995, Nhà nước đã đầu tư hơn 4 tỷ đồng trùng tu, tôn tạo một số hạng mục quan trọng. Trong quá trình trùng tu có thay đổi chất liệu nhưng vẫn giữ nguyên được kết cấu và hiện trạng lịch sử. Bao gồm hệ thống giao thông hào, đường đi trong di tích, hầm chữ A và nhà ở, nhà làm việc của các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục.
Di tích Trung ương Cục miền Nam là di tích lịch sử cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam đã đề ra chiến lược, vận dụng sáng tạo đường lối cách mạng miền Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm thất bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ; giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia tại Quyết định số 839/QĐ ngày 31/8/1990 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin.
DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA
BAN AN NINH TRUNG ƯƠNG CỤC MIỀN NAM
Di tích căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam đặt tại ấp Bảy Bàu, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, Tây Ninh. Từ thành phố Tây Ninh, theo quốc lộ 22B đến cửa khẩu quốc tế Xa Mát (42 km), từ đây men theo cánh rừng độ chừng 2km đến khu vực Bảy Bàu là trung tâm khu di tích.
Tượng đài trong khu di tích Ban An ninh, một trong số những công trình nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội 2010
Được thành lập tháng 7/1960 tại khu rừng Chàng Riệc, xã Tân Lập, Tân Biên với tên gọi là Ban Bảo vệ An ninh Xứ ủy (ký hiệu tên mật là C93B) do đồng chí Phạm Thái Bường, Xứ ủy viên phụ trách. Đến tháng 8/1962 đổi tên thành Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975).Từ khi thành lập (1960) đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975) căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam đã qua 8 lần di chuyển thay đổi địa điểm: Tháng 7/1960 dừng chân tại Chàng Riệc, Tân Biên. Năm 1961 di chuyển sang Mã Đà, Đồng Nai. Năm 1962 - 1963 chuyển căn cứ về tại cầu Bảy Nhịp gần sông Vàm Cỏ Đông (thuộc xã Hòa Hiệp, Tân Biên). Từ 1963 - 1968 căn cứ đặt tại rừng Tà Xia (thuộc xã Tân Bình, Tân Biên). Năm 1969 chuyển đến khu vực Bàu Lùng Tung (gần cửa khẩu Sa Mát thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Biên). Từ tháng 1 đến tháng 5/1970 căn cứ ở tại rừng Tà Đạt (xã Tân Phú, huyện Tân Biên). Từ tháng 6/1970 đến cuối 1972 đóng tại Đầm Be (Campuchia). Năm 1973 đến 4/1975 căn cứ đóng tại trảng Bảy Bàu.
Suốt 15 năm chiến đấu, Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng gian bảo mật, bảo vệ an toàn tuyệt đối các cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam. Khu trung tâm di tích rộng 15 ha. Một số hạng mục được trùng tu, phục chế gồm nhà ở, hội trường, nhà làm việc, nhà bảo vệ, hầm chữ A, hầm phẫu thuật, giếng nước, bếp Hoàng Cầm, đường giao thông nội bộ, giao thông hào và công sự chiến đấu.
Khu tôn tạo trên diện tích rộng 5 ha gồm các hạng mục công trình: cổng chính, đường vào đài tưởng niệm, nhà khách, văn phòng Ban Quản lý di tích, nhà truyền thống hồ cảnh, hồ bơi…
Khu vực bảo vệ di tích 43 ha gồm rừng nguyên sinh được bảo vệ và trồng mới nhằm bảo tồn cảnh quan sinh thái rừng phòng hộ toàn khu di tích.
Di tích căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia tại Quyết định số 3777/QĐ- BT ngày 23/12/1995 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin.
DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA
CĂN CỨ MẶT TRẬN DÂN TỘC GIẢI PHÓNG
MIỀN NAM VIỆT NAM
Tháng 1/1969 Hội nghị lần thứ 15 (mở rộng) của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa II đã ra Nghị quyết "Tăng cường đoàn kết, kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà". Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng đã soi rọi, tỏa sáng, tạo nên phong trào Đồng Khởi long trời, lở đất trên toàn miền Nam, giành chính quyền về tay nhân dân ngay từ những ngày đầu năm 1960.
Ngày 20/12/1960, thực hiện chỉ đạo của Xứ ủy Nam bộ, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập tại căn cứ Bắc Tây Ninh.
Nhà Truyền Thống Căn Cứ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam Ngay từ khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 10/1961, các tổ chức chính trị và đoàn thể thành viên mặt trận cũng được thành lập, trở thành các đầu mối tập hợp các giới, các tầng lớp nhân dân yêu nước. Đầu tiên là hội liên hiệp học sinh - sinh viên vào ngày 9/1/1961. Sau đó, ngày 15/2/1961 lực lượng vũ trang giải phóng được thành lập và làm lễ ra mắt. Tiếp theo là các tổ chức và đoàn thể: Hội Nông dân giải phóng (20/2/1961); Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng (8/3/1961),…Tuy nhiên, sự kiện mà dư luận lúc ấy quan tâm nhất và cũng được tổ chức trọng thể nhất là lễ thành lập và ra mắt Lực lượng vũ trang giải phóng diễn ra buổi chiều ngày 15/2/1961, lễ được tổ chức tại khu vực Trảng Chiên, thuộc chiến khu Dương Minh Châu vùng rừng Bắc Tây Ninh nổi tiếng. Sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, ảnh hưởng và vị thế của Mặt trận đã không ngừng lan rộng, không những trong nước mà cả trên trường quốc tế. Nhiều nhân sĩ, trí thức thành phố Sài Gòn lần lượt vào căn cứ, trực tiếp tham gia vào sự nghiệp kháng chiến. Chỉ sau hơn một năm kể từ ngày thành lập, ngày 1/2/1962 vào lúc 18h30, Đài phát thanh giải phóng đã phát vào không trung bằng 5 thứ tiếng bản tin đầu tiên, với lời giới thiệu tự tin "Đây, đài phát thanh giải phóng, tiếng nói bất khuất, tiếng nói kiên cường, tiếng nói chính nghĩa của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam". Đến ngày 20/12/1964, kỷ niệm 4 năm ngày thành lập Mặt trận, Báo giải phóng - cơ quan ngôn luận của Mặt trận được phát hành, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Phó chủ tịch Mặt trận làm chủ nhiệm. Trong những năm tháng gian lao của cuộc kháng chiến, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được sinh ra do những đòi hỏi bức xúc của cách mạng miền Nam, được nhân dân bảo bọc và nuôi dưỡng, đã luôn sống giữa lòng dân. Căn cứ Mặt trận phải di chuyển nhiều nơi, có lúc sang tận chiến khu D trên đầu nguồn sông Mã Đà, nhưng chủ yếu là trên vùng căn cứ Dương Minh Châu, trải dài suốt dãy rừng già Bắc Tây Ninh,từ đầu nguồn sông Sài Gòn phía Đông sang vùng Chàng Riệc mé Tây, trên phía thượng nguồn sông Vàm Cỏ… chính trên vùng đất rừng được coi là "Thánh địa" của cách mạng miền Nam này đã diễn ra những đại hội quan trọng của Mặt trận mà ý nghĩa của nó không kém Hội nghị Diên Hồng của triều Trần trước họa xâm lược: - Ngày 16/2/1962, Đại hội lần thứ nhất diễn ra giữa rừng chiến khu gần địa danh Kà Tum (nay là xã Tân Đông, huyện Tân Châu, Tây Ninh), với sự có mặt của trên 80 đại biểu các chính Đảng, Đoàn thể, Lực lượng vũ trang giải phóng đã bầu ra Ủy ban trung ương chính thức gồm 50 vị do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm chủ tịch. - Từ ngày 01 đến 8/11/1964, Đại hội lần thứ II với 180 đại biểu từ đủ các vùng nông thôn, cao nguyên, đô thị miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào được tổ chức ở vùng gần địa danh Lò Gò, Xóm Giữa (nay thuộc xã Hòa Hiệp, huện Tân Biên, Tây Ninh). Từ 15 đến 20/8/1967 ngay trên mảnh đất Tây Ninh còn ngút khói bom đạn địch sau trận càn Gian- xơn- xi-ty, lớn nhất trong toàn bộ cuộc chiến với sự tham gia của 45.000 quân Mỹ và hàng ngàn phi pháo, xe tăng địch, Đại hội bất thường Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã được tiến hành, chuẩn bị cho mùa xuân tổng tiến công và nổi dậy 1968. Đại hội đã thông qua Cương lĩnh chính trị quan trọng. Đây chính là một trong tiền đề quan trọng cho việc thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam vào ngày 6/6/1969 tại vùng đất mang tên Tà Nốt của rừng Bắc Tây Ninh. Khu di tích căn cứ Mặt trận được chọn để phục hồi tôn tạo hiện thuộc khu vực Suối Chò, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, một trong những nơi Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã từng trụ bám giữa lòng nhân dân, đất nước mà tập hợp lực lượng toàn dân trong kháng chiến.. Tại đây, có thể thấy tận mắt những nơi ở và làm việc của Ủy ban Trung ương Mặt trận, những văn phòng, hội trường, nhà ăn và bếp Hoàng Cầm. Theo những lối mòn len lách qua những bụi tre và cây rừng lúp xúp là những ngôi nhà của cố Chủ tịch, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, bác sĩ Phùng Văn Cung và đồng chí Võ Chí Công, các Phó chủ tịch Mặt trận. Đến khu di tích Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, người ta sẽ đi qua khu di tích Ban an ninh miền Nam, căn cứ Trung ương Cục miền Nam, ngoài ý nghĩa về mặt khoa học lịch sử, những khu di tích ấy còn mang ý nghĩa về cảnh quan môi trường, bởi đó là những ví dụ sinh động nhất về hệ sinh thái rừng nhiệt đới. Căn cứ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã được Bộ văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) công nhận xếp hạng cấp quốc gia tại quyết định số 3518/QĐ-BT ngày 4/12/1998. |
DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA CĂN CỨ ĐỊA ĐIỂM BAN KIỂM TRA TRUNG ƯƠNG CỤC MIỀN NAM (1969-1975) Ngày 23/1/1961, thực hiện chủ trương của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 3 (khóa III) quyết định thành lập lại Trung ương Cục miền Nam. Ngày 27/3/1961 Ban chấp hành Trung ương Đảng quyết định nhân sự của Trung ương Cục gồm 8 đồng chí: đồng chí Nguyễn Văn Linh - Ủy viên Trung ương Đảng được phân công làm bí thư Trung ương Cục; đồng chí Võ Chí Công - Ủy viên Trung ương Đảng làm phó bí thư Trung ương Cục; đồng chí Phan Văn Đáng – Phó bí thư Trung ương Cục; Trần Nam Trung (Trần Lương), Phạm Thái Bường, Phạm Văn Xô, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Đôn là ủy viên. Nhiệm vụ của Trung ương Cục miền Nam, Ban chấp hành Trung ương Đảng quy định: căn cứ vào Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng và những Chỉ thị, Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng và Bộ chính trị về cách mạng miền Nam mà đề ra chủ trương chính sách, phương chăm, kế hoạch công tác, và chỉ đạo thực hiện cụ thể ở miền Nam…Ngoài ra, Trung ương Cục còn thay mặt Ban chấp hành Trung ương Đảng quản lý và phân phối cán bộ. Ngày 10/10/1961, Hội nghị Trung ương Cục lần thứ I đề ra 10 nhiệm vụ lớn, đối với Đảng bộ các cấp ở miền Nam trong đó có nhiệm vụ "xây dựng phát triển Đảng- Đoàn". Cũng trong hội nghị này Trung ương Cục quyết định thành lập các cơ quan chuyên môn giúp việc cho Trung ương Cục miền Nam gồm Văn phòng Trung ương Cục, Ban cơ yếu, Ban an ninh, Ban hậu cần, Ban quân sự Miền, Ban kinh tài, Ban tuyên huấn… Dưới sự lãnh đạo cách mạng miền Nam của Trung ương Cục đã đập tan mọi âm mưu chiến lược chiến tranh của địch, từ thắng lợi này tới thắng lợi khác (chiến tranh đơn phương, chiến tranh cục bộ, chiến tranh đặc biệt…) Ngày 14/8/1969 Thường vụ Trung ương Cục ra Nghị quyết số 13 thành lập Ban kiểm tra Đảng các cấp. Ngày 1/12/1969 Trung ương Cục ra Thông tư số 135 – CNT hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 13. Cũng trong thời gian này Ủy ban kiểm tra Trung ương Cục được thành lập gồm các đồng chí: - Phan Văn Đáng (Hai Văn)- Phó bí thư Trung ương Cục, trưởng ban. - Hai Mai – Phó ban tổ chức Trung ương Cục, ủy viên. - Nguyễn Văn Trọng (Ba Trọng) cán bộ Trung ương Cục, ủy viên. Ban kiểm tra Trung ương Cục miền Nam, cơ quan tham mưu giúp việc cho Trung ương Cục về hoạt động thanh kiểm tra công tác Đảng từ Trung ương đến địa phương các cấp ở chiến trường miền Nam, trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước 1969-1975 cho đến thắng lợi hoàn toàn. Từ những năm 1970-1975 Ban kiểm tra Trung ương Cục có sự thay đổi nhân sự và bổ sung một số đồng chí để tăng cường đảm bảo tốt công tác thanh kiểm tra công tác Đảng cho Trung ương Cục. Hiện nay di tích Ban kiểm tra Trung ương Cục tọa lạc xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia tại quyết định số 62/2008/QĐ- BVHTTDL ngày 18/8/2008. DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA ĐỀN THỜ ÔNG LỚN TRÀ VONG HUỲNH CÔNG GIẢN Đền thờ ông lớn Trà Vong nằm cạnh quốc lộ 22B, tọa lạc tại ấp Dinh, xã Mỏ Công, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.
Ông lớn Trà Vong tên thật là Huỳnh Công Giản sinh năm 1722 (Nhâm Dần) và tuẫn tiết năm 1782 (tháng 2 năm Nhâm Dần). Sinh trưởng và lớn lên trong một gia đình nông dân, thân sinh là Huỳnh Công Cẩn, người Nhật Tảo, Tân An). Ông có hai người em là Huỳnh Công Thắng và Huỳnh Công Nghệ, thuở nhỏ cùng học chữ Nho, đến năm 17 tuổi rất giỏi thi phú. Đến năm 27 tuổi (1749 Kỷ tỵ) thấy ở Tây Ninh còn rừng rú âm u, ông bàn tính với hai em đến đây khẩn hoang, quy dân lập ấp. - Ông Huỳnh Công thắng đem quân đóng ở Cẩm Giang (Gò Dầu, Tây Ninh). - Ông Huỳnh Công Nghệ đóng quân tại Bến Thứ (nay thuộc xã Tân Phong, huyện Tân Biên). Ông Huỳnh Công Giản đến vùng Trà Vong thành lập ba ấp: Tân Lập, Tân Hội, Tân Hiệp. Ông đánh giá vùng Cẩm Giang và Bến Thứ là nơi xung yếu, vì đó là con đường chiến lược "con đường xứ" từ Chân Lạp sang nước ta. Riêng vùng Trà Vong thì quân lính ít hơn. Biết thế nên bọn thổ phỉ đã chọn nơi này tổ chức tập kích bất ngờ, giặc lại đông hơn gấp nhiều lần, trong cuộc chiến không cân sức, ông cho người đi viện binh của em là Huỳnh Công Nghệ vừa tổ chức chiến đấu chống giặc, vừa tổ chức bảo vệ thành trì, nhưng sức người có hạn, khi thấy binh sĩ hi sinh quá nhiều, trong lúc viện binh chưa đến kịp, biết khó lòng lay chuyển được tình thế. Theo quan niệm của ông "thành mất, tướng phải mất theo". Ông vung gươm quyết chiến cùng giặc cướp đến sức cùng lực kiệt, ông quay gươm tuẫn tiết không để lọt vào tay giặc. Ông Huỳnh Công Giản ngã xuống, quân giặc lớp lớp tràn vào thành. Trong lúc đó viện binh ông Huỳnh Công Nghệ đến. Lúc bấy giờ quân giặc vẫn còn đông, nhưng đã đói và mệt mất sức kháng cự. Quân Việt tràn vào thành làm cho quân giặc thây ngã đầu rơi, những chiến hào xung quanh thành Trà Vong nước trong xanh biến thành máu đỏ và thây giặc nằm ngổn ngang trên cánh đồng Trà Vong, lớp tàn quân sống sót chạy về bên kia biên giới không còn dám xâm phạm biên giới nước Việt Sau khi ông Huỳnh Công Giản mất, kính phục trước sự hi sinh lẫm liệt hào hùng của ông, với lòng thành kính người có công mở đất một thời ở Tây Ninh. Nên nhân dân tôn thờ và xây dựng nhiều công trình để thờ cúng ông. Ngoài đền thờ chính ở xã Mỏ Công, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, người dân còn lập đình, dinh, miếu để thờ phụng gần như khắp địa bàn của tỉnh. Sắc Phong Quan Lớn Trà Vong
Hàng năm đến ngày 15/3 và 9/9 âm lịch, nhân dân quanh vùng quy tụ về để tổ chức lễ kỳ yên và cầu bông, hàng năm đáo lệ. Đền thờ ông lớn Trà Vong khi xưa nằm trên phần đất gần xã Tân Phong ngày nay. Đến năm 1963, do điều kiện chiến tranh nên được di dời về chợ Mỏ Công và xây dựng lại ngôi đền trên phần đất mới với cột gỗ tròn, vách ván, mái lợp ngói vảy cá, nền lót gạch tàu… Đến năm 1998, trên phần đất cũ của ngôi đền xưa được nhân dân cùng chính quyền địa phương xây dựng lại bằng các vật liệu bền vững như gạch, xi măng, sắt thép, gỗ, mái lợp tole giả ngói nằm trên tổng diện tích được khoanh vùng bảo vệ là 328m2 Cổng chính của đền thờ nằm sát quốc lộ 22B. Trên đầu hai trụ cổng là hai búp sen được đặp nổi ba tầng cánh sen, ở giữa là tấm biển hình cuốn thư mang dòng chữ đỏ với bốn chữ quốc ngữ "ĐỀN THỜ ÔNG LỚN". Hai bên là hai cổng phụ. Mặt bằng thờ cúng ở sân đền thờ: trước mặt ở giữa sân đền là bức bình phong đắp nổi phía ngoài thờ thần Hổ, hai bên là hai miếu thờ bà Chúa Xứ và Ngũ Hành. Đền thờ được xây dựng trên tổng diện tích 104m2. Mặt bằng bố cục của đền có lối chữ nhị, gồm hai lớp nhà chạy song song nhau, mỗi nếp nhà có cấu trúc gần giống nhau, gắn kết lại trở thành một thể thống nhất. Đền thờ được thiết kế kiểu nhà vuông theo phong cách đình làng Nam bộ. Ngôi thờ chính điện được đặt ở giữa tứ trụ. Sát tường là ở giữa bàn thờ thần chia làm 3 cấp: - Cấp I và cấp II đặt lư hương, bộ tam sơn, chân đèn chuông mõ..để phục vụ việc thờ cúng. - Cấp III đặt khánh thờ, phía trên là hình tượng "Lưỡng long tranh châu", hai bên chạm trổ hoa văn cách điệu. Hai bên là bàn thở tả ban và hữu ban. Sau sau bức tường của bàn thờ chính, phía sau là bàn thờ tiền hiền – hậu hiến. Toàn bộ đền thờ ông lớn Trà Vong là một khối kiến trúc khép kín, mặc dù trông rất giản đơn nhưng nó mang rõ nét đặc trưng phong cách đình làng Nam bộ. Đền thờ là nhân chứng lịch sứ một thời mở đất và giữ đất ở Tây Ninh. Đã trải qua nhiều tháng năm mà đền thờ vẫn uy nghi, cổ kính, trầm mặc với thời gian, đồng hành cùng tuế nguyệt, chứng kiến biết bao đổi thay của mảnh đất Tây Ninh: Trung dũng - Kiên cường. Đền thờ Ông lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 249/QĐ-UBND ngày 22/11/2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh. DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA LĂNG ÔNG LỚN TRÀ VONG HUỲNH CÔNG GIẢN
Lăng Mộ Quan Lớn tọa lạc tại ấp III, xã Trà Vong, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Lăng mộ quan lớn Trà Vong kiến trúc chính là một khối không gian khép kín, người ta dễ thấy tính đối xứng được thể hiện nhất quán và chặt chẽ trên một không gian rộng lớn. Lăng mộ quan lớn Trà Vong là nhân chứng lịch sử của thời kỳ mở đất và giữ đất ở Tây Ninh cách nay trên 200 năm, Lăng mộ vẫn uy nghi, trầm mặc bên dòng suối Trà Vong đồng hành cùng tuế nguyệt, chứng kiến bao đổi thay của mảnh đất Tây Ninh trung dũng kiên cường. Trên nền đất của ngôi mộ cũ năm xưa, đến năm 1997, nhân dân huyện Hòa Thành, Tân Biên, xây lại ngôi mộ mới với chất liệu bền vững. Lăng mộ quan lớn Trà Vông Huỳnh Công Giảng đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 135/QĐ-CT ngày 27/9/1999 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh. DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA CĂN CỨ BAN HOA VẬN TRUNG ƯƠNG CỤC MIỀN NAM
Căn cứ Ban Hoa vận Trung ương Cục miền Nam
Căn cứ Ban Hoa vận Trung ương Cục miền Nam, tọa lạc tại ấp Tân Đông, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa, tại Quyết định số: 250/QĐ-UBND, ngày 22/11/2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước Ban Hoa vận Trung ương Cục miền Nam (Nay là Ban công tác người Hoa) xây dựng căn cứ ở nhiều nơi trên địa bàn Tỉnh ủy Tây Ninh, trong có địa bàn Bảy Bàu, nay thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Căn cứ này đi vào lịch sử của Ban công tác người Hoa, là nơi Ban Hoa vận sống và chiến đấu lâu nhất cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975. Nơi chứng kiến gánh chịu hậu quả bom pháo Mỹ đánh phá ác liệt, gây thiệt hại nặng nề cho cán bộ chiến sĩ Ban Hoa vận, nên di tích có tên gọi là Ban Hoa vận Trung ương Cục miền Nam. Ở nước ta đồng bào Hoa tập trung sinh sống ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam bộ, đa số người Hoa ở nước ta là người các địa phương thuộc miền ven biển Đông nam Trung Quốc sang định cư ở nước ta từ lâu. Đến Việt Nam đồng bào người Hoa xem đất nước Việt Nam là tổ quốc thứ hai gắn bó với đất nước này, có một tình cảm sâu đậm, đoàn kết với cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Năm 1940 khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại ở Chợ Lớn, giặc đàn áp tàn bạo nhân dân ta trong đó có công dân người Hoa và hàng chục chiến sĩ người Hoa đã bị thực dân Pháp xử bắn, tù đày. Năm 1949 để chỉ đạo phong trào kháng chiến chống Pháp trong đồng bào người Hoa. Ban Hoa vận xứ ủy Nam bộ và Hội liên hiệp các đoàn thể người Hoa được thành lập (gọi tắt là Hội Giải Liên) do đồng chí Ngô Liên và Trang Duy phụ trách. Được sự lãnh đạo của Hội Giải Liên, phong trào đấu tranh chống Pháp của đồng bào người Hoa ở Nam bộ được phát triển nhanh chóng từ nông thôn đến thành thị. Năm 1962 cùng với sự ra đời của các căn cứ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Ban An ninh Trung ương Cục, Ban kinh tài Trung ương Cục…Ban Hoa vận Trung ương Cục miền Nam ra đời, lập căn cứ Sóc Thiết, xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên, thời gian này căn cứ Ban Hoa vận có các đồng chí Ngô Thu, Trần Đại Tân, Dương Việt Trung, Huỳnh Nghị tham gia hoạt động. Đến cuối năm 1964 Ban Hoa vận Trung ương Cục miền Nam di chuyển căn cứ về Bảy Bàu, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Ban Hoa vận còn xây dựng một căn cứ ở Lò Gò, là nơi tập trung tăng gia sản xuất và cung cấp lương thực, phục vụ kháng chiến. Năm 1965 Ban Hoa vận Trung ương Cục miền Nam tiếp nhận thêm các đồng chí Mã Quý, Hoàng Bình, Ngô Liên ở miền Bắc. Năm 1966 tiếp nhận đồng chí Lưu Thiện và Hàn Trương Vũ ở miền Nam về hoạt động cho đến ngày giải phóng 30/4/1975. Sau 30/4/1975 cán bộ Ban Hoa vận Trung ương Cục miền Nam về Sài Gòn – Chợ Lớn tham gia xây dựng chính quyền. Đến năm 1978 Ban Hoa vận Trung ương Cục miền Nam giải thể do hoàn thành chức năng nhiệm vụ mà Đảng giao. Từ khi mới thành lập cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975, những nhóm võ trang Ban Hoa vận đã liên tục tấn công địch trên 100 trận như: Trận tập kích Tòa đại sứ Đài Loan ngày 19/9/1967, trận tập kích Ty cảnh sát đặc biệt Chợ Lớn đêm mùng 1 Tết Mậu Thân 1968. Tháng 8/1969 tổ Biệt động nữ của đồng chí Giang Lệ Hữu tập kích vào trường sinh ngữ không quân cuả Mỹ và chế độ Sài Gòn diệt và làm bị thương hơn 200 sĩ quan không quân Sài Gòn và 30 cố vấn Mỹ, làm hư hỏng tòa nhà 5 tầng. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh ở Sài Gòn – Chợ Lớn, Ban Hoa vận đã phân công lập ra những ban khởi nghĩa trong từng địa bàn, quần chúng lao động người Hoa sẵn sàng hành động và chờ lệnh tấn công. Sáng 30/4/1975 thanh thiếu niên trong quân đội Sài Gòn ở địa phương đã bỏ ngũ và tham gia lực lượng võ trang cách mạng của Ban Hoa vận. Trước lúc quân giải phóng tiến vào nội thành, nhân dân lao động và các lực lượng võ trang Ban Hoa vận đã nổi dậy đánh chiếm và làm chủ tình hình ở nhiều nơi thuộc địa bàn Chợ Lớn, Quận 11, là nơi được giải phóng sớm nhất so với các địa phương ở nội thành. Đến 17 giờ ngày 30/4/1975 toàn bộ vùng căn cứ của người Hoa và thành phố hoàn toàn giải phóng. Nhiệm vụ của Ban Hoa vận Trung ương Cục miền Nam và Ban Hoa vận thành phố trong chiến dịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành một cách vẻ vang. Ở nông thôn và các thị trấn miền Tây Nam bộ, các lực lượng yêu nước trong đồng bào người Hoa đã cùng nhân dân người Việt và các chiến sĩ cách mạng ở địa phương giải phóng quê hương kết thúc cuộc chiến tranh vĩ đại và vô cùng ác liệt trong lịch sử của nhân dân Việt Nam. Căn cứ Ban Hoa vận Trung ương Cục miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, gắn biết bao kỉ niệm buồn vui của cán bộ và chiến sĩ trong căn cứ. Để lưu danh về một căn cứ cùng với sự hi sinh cao cả đó với những chiến thắng vẻ vang của Ban Hoa vận. Ban công tác người Hoa Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng nhà bia tưởng niệm căn cứ. Để khắc ghi về một quá khứ vinh quang của Ban Hoa vận Trung ương Cục miền Nam. Căn cứ của Ban Hoa vận Trung ương Cục miền Nam (1962-1975) là di tích lịch sử cách mạng với chức năng là địa bàn đứng chân của Ban Hoa vận chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng của đồng bào Hoa. Đây là nơi nắm bắt tình hình, tập kết, đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt, kiện toàn bộ máy lãnh đạo các cấp người Hoa. Di tích đã ghi một mốc son, đánh dấu sự ra đời của một tổ chức Đảng, thay mặt Trung ương cục miền Nam lãnh đạo phong trào cách mạng người Hoa, đáp ứng kịp thời những yêu cầu thực tế của nhiệm vụ cách mạng mới. VƯỜN QUỐC GIA LÒ GÒ - XA MÁT Vị trí: Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát nằm trên địa phận 3 xã Tân Lập, Tân Bình, Hoà Hiệp thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, cách thành phố Tây Ninh khoảng 30 km về phía tây bắc , là nơi chuyển tiếp giữa Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Đặc điểm: Với diện tích 18.765 ha được chia thành 3 phân khu, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 8.594 ha, phân khu phục hồi sinh thái 10.084 ha và phân khu hành chính, dịch vụ 87 ha, Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát là khu rừng đặc dụng có rừng che phủ chiếm 26% tổng diện tích che phủ rừng tự nhiên của tỉnh. Nơi đây có thảm thực vật rừng dạng khảm giữa rừng bán rụng lá, rừng rụng lá trên đất thấp và các dải hẹp rừng thường xanh ven sông suối và rừng tràm. Ngoài ra, gần biên giới với Campuchia còn có dải đồng cỏ đất lầy với các thảm cói lác. Hệ thực vật của VQG rất đa dạng và phong phú với 696 loài thuộc về 5 ngành thực vật, 60 bộ, 115 họ và 395 chi. Có 158 loài cây có khả năng làm thuốc hoặc đã được sử dụng làm thuốc nam truyền thống địa phương; 58 loài cây cho gỗ; 21 loài cây làm cảnh; 10 loài cây thực phẩm; 7 loài cây dùng làm rau xanh. Hệ động vật có 415 loài trong đó có một số loài thú tiêu biểu như voọc chà vá chân đen (Pygathrix nigripes), voọc bạc Đông Dương ( Trachypithecus villosus), khỉ mặt đỏ (Macaca arctoides), gấu ngựa (Ursus thibetanus), sói đỏ (Cuon alpinus) và sói vàng (Canis aureus), cu li nhỏ (Nycticebus pygmaeus), khỉ đuôi lợn (Macaca leonina), khỉ đuôi dài (M. fascicularis)... Khu hệ chim tại vườn quốc gia này rất đặc trưng với 203 loài thuộc 15 bộ và 40 họ. Tại các sinh cảnh đất ngập nước có rừng đã ghi nhận nhiều loài chim nước quý hiếm như Giang sen (Ciconia episcopus), Già đẫy Java (Leptoptilos javanicus) và Cò nhạn (Anastomus oscitans), Le khoang cổ... |