Ông Nguyễn Đình Xuân giám đốc VQG Lò Gò - Xa Mát, chủ nhiệm dự án (bên trái) cùng Ông Trịnh Đình Tắc, ấp Tân Thanh xã Tân Bình (người được hỗ trợ nuôi ong)
Để tạo công ăn, việc làm ổn định và tăng thu nhập cho người dân trong vùng đệm, góp phần giúp cho người dân ở địa phương có điều kiện phát triển kinh tế bền vững, nâng cao ý thức, trách nhiệm của công dân sẽ góp phần tích cực vào việc bảo vệ nguồn tài nguyên rừng quý, hiếm của VQG Lò Gò - Xa Mát, đó là một trong các mục tiêu, giải pháp để bảo tồn và phát triển VQG Lò Gò - Xa Mát được ban quản lý dự án VQG quan tâm thực hiện.
Với mục tiêu này, ban quản lý VQG Lò Gò - Xa Mát đã xây dựng dự án chuyển giao kỹ thuật nuôi ong lấy mật từ các loài hoa rừng cho các hộ dân ở các xã Hòa Hiệp, Tân Bình, Tân Lập và Thạnh Tây (thuộc vùng đệm VQG Lò Gò - Xa Mát), do ông Nguyễn Đình Xuân giám đốc VQG Lò Gò - Xa Mát làm chủ nhiệm dự án.
Ban quản lý VQG cùng với dự án đã tổ chức triển khai đợt tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật nuôi ong mật cho các hộ dân trong vùng đệm và thành lập 11 nhóm nuôi ong mật theo từng địa bàn, mỗi nhóm có khoảng từ 3 đến 5 hộ dân, qua tập huấn, các hộ dân đã được giới thiệu về đặc tính của một số loại ong mật như: ong chúa, ong đực, ong thợ, quy trình phát triển của đàn ong, kỹ thuật làm thùng nuôi ong mật, cách bố trí các cầu trong thùng nuôi ong, kỹ thuật chăm sóc, phòng, trị bệnh cho đàn ong, kỹ thuật tạo ong chúa và chia đàn ong, cách khai thác phấn hoa, sữa ong chúa, mật ong và những kinh nghiệm nuôi ong mật đạt được hiệu quả cao, các hộ dân cũng đã được giới thiệu và hướng dẫn thực tế tại khu nuôi ong mật của VQG Lò Gò-Xa Mát.
Với hơn 200 đàn ong mật, trong năm 2012, VQG Lò Gò - Xa Mát đã thu được hơn 3 tấn mật hoa rừng nguyên chất phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của khách du lịch và nhân dân trong, ngoài tỉnh và đang từng bước mở rộng phát triển đàn ong trên địa bàn. Để giúp cho các hộ dân bước đầu có điều kiện nuôi ong, VQG đã hỗ trợ cho các hộ trong các nhóm, mỗi hộ từ 1 đến 2 đàn ong đưa vào nuôi ong lấy mật tại gia đình, đồng thời cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp tới các hộ hướng dân kỹ thuật nuôi ong, kỹ thuật khai thác mật.
Chỉ sau hơn 1 tháng triển khai dự án, các nhóm nuôi ong đã phát triển thêm được hàng chục đàn ong, hàng trăm cầu ong mới được tạo ra, các đàn ong đã cho lấy mật từ 1 đến 2 lần và mang lại hiệu quả khá cao.
Cụ thể như gia đình ông Nguyễn Văn Thành ở tổ 9, ấp Thạnh Tây, xã Thạnh Tây, trong hơn 1 tháng ông phát triển đàn ong từ 4 lên 8 đàn và đã lấy mật được 2 lần, mỗi lần từ 23 đến 25 lít mật nguyên chất và tiêu thụ hết ngay cho những người đặt hàng với giá 400.000 đồng/1lít, thu được gần hai chục triệu đồng, Các hộ ít cũng thu được từ 6 lít đến gần 20 lít mật và đã thu lại lợi nhuận hàng triệu đồng, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Theo kế hoạch, thời gian tới, VQG Lò Gò - Xa Mát sẽ tiếp tục hỗ trợ, chuyển giao khoa học, kỹ thuật nuôi ong lấy mật cho các hộ trong vùng đệm, nhằm mở rộng mô hình nuôi ong lấy mật, phát triển kinh tế bền vững cho nhân dân trong vùng đệm.
Cũng trong đợt này VQG Lò Gò – Xa Mát đã hỗ trợ 10 đàn ong mật và chuyển giao khoa học, kỹ thuật nuôi ong lấy mật cho trường đại học Chiasim, tỉnh Preyveng, vương quốc Campuchia nhằm phát triển nghề nuôi ong mật cho người dân Campuchia khu vực giáp với vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát. Đợt đầu cũng đã thu được 20 lít mật chất lượng tốt.