NHỮNG BIỆN PHÁP VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN TRONG PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM

Thứ năm - 18/03/2021 11:17 522 0
NHỮNG BIỆN PHÁP VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN TRONG PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM

NHỮNG BIỆN PHÁP VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN TRONG PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM


1. Tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mại dâm kết hợp với phòng, chống ma tuý và phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS

Những nội dung tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mại dâm với phòng, chống ma tuý và phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS bao gồm:

- Tác hại nhiều mặt của tệ nạn mại dâm, tệ nạn ma tuý;

- Nguy cơ cao của bệnh dịch HIV/AIDS đối với người mại dâm, người nghiện ma tuý;

- Pháp luật về phòng, chống mại dâm, ma tuý và phòng, chống HIV/AIDS;

- Các biện pháp phòng, chống mại dâm, ma tuý và phòng, chống HIV/AIDS;

- Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân trong phòng, chống mại dâm, ma tuý và phòng, chống HIV/AIDS.

2. Tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mại dâm trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân

Cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thông tin tuyên truyền tổ chức tuyên truyền, giáo dục về truyền thống văn hoá dân tộc, đạo đức xã hội, lối sống lành mạnh, tác hại của tệ nạn mại dâm, các chủ trương, chính sách, biện pháp và pháp luật về phòng, chống mại dâm, các hình thức xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.

3. Tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mại dâm trong trường học

Nội dung tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mại dâm đối với học sinh, sinh viên, học viên trong các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề bao gồm:

- Tác hại nhiều mặt của tệ nạn mại dâm đối với xã hội, đối với danh dự, nhân phẩm, sức khỏe con người; ảnh hưởng đến vấn đề bình đẳng giới, đến chiến lược phát triển con người ở Việt Nam;

- Các biện pháp phòng, chống tệ nạn mại dâm;

- Chính sách và pháp luật phòng, chống mại dâm;

- Các hình thức xử lý vi phạm pháp luật về mại dâm;

- Trách nhiệm của công dân trong phòng, chống tệ nạn mại dâm.

Căn cứ vào nội dung trên đây các trường xây dựng nội dung tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mại dâm cụ thể cho phù hợp với loại hình trường học của mình.

4. Nội dung phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương

Nội dung phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương bao gồm:

- Thường xuyên liên lạc, trao đổi với gia đình của học sinh, sinh viên, học viên và Uỷ ban nhân dân địa phương nơi nhà trường đóng trên địa bàn đó về công tác phòng, chống mại dâm;

- Tổ chức các cuộc toạ đàm trao đổi giữa các bên về công tác phòng, chống mại dâm, về biện pháp và các hoạt động giáo dục phòng ngừa phù hợp với lứa tuổi, giới tính, tôn giáo của học sinh, sinh viên, học viên;

- Tổ chức các hoạt động xã hội trên địa bàn với sự tham gia của học sinh, sinh viên, học viên.

5. Trách nhiệm của cá nhân trong phòng, chống mại dâm

Mọi cá nhân có trách nhiệm:

- Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm;

- Tham gia tích cực các hoạt động phòng, chống mại dâm;

- Giáo dục, quản lý, ngăn ngừa để thành viên trong gia đình mình không tham gia tệ nạn mại dâm;

- Phát hiện, cung cấp kịp thời các thông tin về tệ nạn mại dâm cho cơ quan Công an hoặc cơ quan khác có thẩm quyền.

6. Trách nhiệm của gia đình trong phòng, chống mại dâm

- Mỗi gia đình đều phải có trách nhiệm:

+ Tuyên truyền, giáo dục các thành viên trong gia đình mình về phòng, chống mại dâm;

+ Xây dựng gia đình hoà thuận, sống chung thuỷ lành mạnh;

+ Tham gia tích cực các hoạt động phòng, chống mại dâm;

+ Phối hợp chặt chẽ và giúp đỡ Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức hữu quan tiến hành quản lý, giáo dục người có hành vi mua dâm, bán dâm ở tại địa phương.

- Ngoài trách nhiệm được quy định tại khoản 1 của Điều này, gia đình có người bán dâm còn có trách nhiệm:

+ Quản lý, giúp đỡ, chăm sóc người bán dâm được giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo sự hướng dẫn, giám sát của tổ chức, cá nhân được phân công giúp đỡ và của chính quyền cơ sở;

+ Quản lý, giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn người bán dâm tái phạm hoặc có hành vi gây mất trật tự an toàn xã hội;

+ Động viên, giúp người bán dâm xoá bỏ mặc cảm, tạo điều kiện để họ hoà nhập cộng đồng.

7. Nội dung cụ thể của biện pháp kinh tế - xã hội trong việc phòng, chống mại dâm

Nội dung cụ thể của biện pháp kinh tế - xã hội trong việc phòng, chống mại dâm bao gồm:

- Giải quyết việc làm, tổ chức dạy nghề, hướng nghiệp, xoá đói, giảm nghèo cho những gia đình nghèo, những người không có việc làm. Tạo điều kiện trợ giúp những phụ nữ nghèo được vay vốn, tổ chức tư vấn và hướng dẫn họ tiếp cận với các dịch vụ sản xuất, kinh doanh, sử dụng vốn làm kinh tế để tăng thu nhập theo các chương trình, dự án nhằm ngăn chặn tệ nạn mại dâm phát sinh, phát triển;

- Tổ chức chữa bệnh, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm cho người bán dâm hoàn lương; trợ cấp khó khăn hoặc tạo điều kiện cho họ vay vốn, tư vấn, hướng dẫn phương pháp sản xuất, kinh doanh để họ có thu nhập ổn định;

- Thực hiện chính sách ưu đãi về tài chính, về thuế đối với các cơ sở chữa bệnh, dạy nghề, tạo việc làm cho người bán dâm hoặc các cơ sở kinh doanh có người bán dâm hoàn lương làm việc. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện quy định này;

- Ủy ban nhân dân các cấp phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận cùng cấp chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy định tại các khoản 1, 2 và 3 của Điều này trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý của mình.

8. Trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm có trách nhiệm:

- Chấp hành nghiêm chỉnh các tiêu chuẩn, điều kiện cấp phép, điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật;

- Đăng ký kinh doanh và có giấy phép kinh doanh theo quy định của pháp luật; không được sử dụng người lao động dưới 18 tuổi làm những công việc tiếp xúc trực tiếp với khách hàng có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể lực, trí lực và nhân cách của họ; ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người lao động và quản lý hoạt động của các nhân viên này theo quy định của pháp luật về hợp đồng lao động. Chủ cơ sở, người quản lý, điều hành phải kiểm tra bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn của người lao động trước khi thực hiện hợp đồng lao động và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc người lao động không có chứng chỉ hành nghề;

- Ký cam kết với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cơ sở hoạt động kinh doanh về việc không để tệ nạn mại dâm xảy ra ở cơ sở mình; thực hiện các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm;

- Quản lý, kiểm tra, hướng dẫn người lao động, thực hiện đăng ký tạm trú cho những người thuộc diện phải đăng ký tạm trú với cơ quan Công an có thẩm quyền; xuất trình Giấy chứng minh nhân dân, hợp đồng lao động, giấy chứng nhận của chính quyền địa phương nơi người đó thường trú xác nhận là người của địa phương hoặc giấy báo tạm vắng để đi làm ăn sinh sống và bản cam kết không tham gia tệ nạn mại dâm, khi được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu;

- Tổ chức khám sức khoẻ định kỳ hàng qúy cho người lao động và theo dõi, giám sát việc điều trị bệnh;

- Người lao động làm việc trong các cơ sở kinh doanh, dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm phải có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với công việc được giao theo quy định của pháp luật; chấp hành các quy định về quản lý hộ khẩu, khám sức khoẻ theo định kỳ và cam kết không vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm.

9. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra

Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra quy định tại Điều 18 của Pháp lệnh là các cơ quan thanh tra của các ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hoá - Thông tin, Y tế, Thương mại, Du lịch hoặc các cơ quan chuyên trách về phòng, chống mại dâm của các ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an. Tuỳ theo tình hình thực tế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thể thành lập các đội kiểm tra liên ngành giữa các cơ quan trên để tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm.

10. Chế độ, chính sách đền bù, trợ cấp đối với người tham gia phòng, chống mại dâm bị thiệt hại về tài sản, sức khoẻ và tính mạng

- Người phát hiện, tố giác, đấu tranh phòng, chống mại dâm nếu bị thiệt hại về tài sản thì được đền bù giá trị tài sản bị thiệt hại.

- Người phát hiện, tố giác, đấu tranh phòng, chống mại dâm nếu bị thương, bị suy giảm khả năng lao động thì được trợ cấp chi phí y tế, trợ cấp mất khả năng lao động theo mức độ suy giảm sức lao động nhưng tối đa không vượt quá 20.000.000 đồng.

- Người phát hiện, tố giác, đấu tranh phòng, chống mại dâm nếu bị chết thì gia đình hoặc người đại diện hợp pháp được nhận trợ cấp một lần bằng tiền, mức trợ cấp bao gồm các chi phí thực tế nhưng tối đa không quá 50.000.000 đồng.

Kinh phí để đền bù và trợ cấp cho người bị thiệt hại về tài sản, sức khoẻ và tính mạng do ngân sách địa phương đảm bảo. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện các quy định trên.

- Cán bộ, công chức khi thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống mại dâm nếu bị thương thì được hưởng chính sách, chế độ tương tự như đối với thương binh; nếu hy sinh thì được xem xét để công nhận là liệt sỹ theo quy định của pháp luật.

Phòng tư pháp huyện Tân Biên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập64
  • Hôm nay3,473
  • Tháng hiện tại66,725
  • Tổng lượt truy cập6,630,358
hoc tap va lam theo
cong khai minh bach
quang ba ten mien .vn
gop y du thao
hop thu dien tu
cong bao tay ninh
Hỏi đáp trực tuyến
Thi hành pháp luật
Cổng Thông Tin Pháp Điển
QR NỘI VỤ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây