ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN
"An toàn giao thông năm 2019" trên địa bàn huyện Tân Biên
Trong những năm qua, UBND huyện Tân Biên đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn; huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đưa một số công trình giao thông trọng điểm vào sử dụng; tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông trong Nhân dân; tăng cường kiểm tra các vi phạm trên lĩnh vực giao thông.
Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề tồn tại do nhiều nguyên nhân khác nhau làm cho tình hình tai nạn giao thông chưa được cải thiện một cách bền vững: Công tác tuyên truyền pháp luật giao thông còn mang tính hình thức, chưa sinh động; ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của một bộ phận người dân còn hạn chế; lực lượng chức năng thi hành công vụ chưa xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông chưa đồng bộ.
Để khắc phục hạn chế, yếu kém trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn huyện và triển khai thực hiện có hiệu quả "Công tác An toàn giao thông năm 2018", Hội đồng Phối hợp PBGDPL huyện phối hợp với Ban ATGT huyện xây dựng đề cương tuyên truyền "An toàn giao thông năm 2019" để phục vụ tuyên truyền trong sinh hoạt Nhân dân trên địa bàn huyện, với nội dung sau:
I. VỀ TÌNH HÌNH TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG
Tai nạn giao thông gây thương tích và tử vong cho người Việt Nam là vấn đề xã hội bức xúc nhất mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân đặc biệt quan tâm.
Trong 5 tháng đầu năm 2019, huyện Tân Biên đã có nhiều nỗ lực và phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng với Nhân dân tham gia công tác giữ gìn trật tự an toàn giao thông trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, căn cứ tình hình thực tế và các số liệu thống kê về tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông 5 tháng đầu năm 2019, cho thấy ngoài những mặt công tác huyện đã triển khai thực hiện và đạt được những kết quả tích cực, bên cạnh đó cũng còn một số vấn đề tồn tại do nhiều nguyên nhân khác nhau cần phải được thực hiện một cách quyết liệt và đồng bộ hơn trong năm 2019.
Tình hình tai nạn giao thông:
Đường bộ: Xảy ra 04 vụ, chết 01 người, bị thương 05 người, hư hỏng 05 xe (mô tô 03, ô tô 02)( chỉ tiêu phấn đấu năm 2019 không quá 28 vụ, 12 người chết, 22 người bị thưởng).
So cùng kỳ 5 tháng đầu năm 2018: giảm 13 vụ (-76,47%); giảm 08 người chết (-88,88%); giảm 08 người bị thương (-61,53%).
Nguyên nhân gây tai nạn giao thông: Đi không đúng phần đường 02 vụ, chuyển hướng không đảm bảo an toàn 01 vụ, xe otô chạy với tốc độ cao tự lật 01 vụ.
Đường thủy: không có
II. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN
Năm 2019, Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội đã có nhiều biện pháp tăng cường cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông: Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông"; Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm TTATGT; Chiến lược quốc gia về bảo đảm TTATGT đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Nghị quyết của Liên hợp quốc về "Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2011 – 2020"; Kế hoạch 01/KH-B.ATGT ngày 20/02/2019 và Kế hoạch số 49/KH-PTP ngày 15/02/2019 về triển khai thực hiện Năm An toàn giao thông 2019; kế hoạch số 02/KH-B.ATGT ngày 16 tháng 03 năm 2019 của Ban An toàn giao thông huyện Tân Biên, về việc phát động phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2019 với chủ đề "An toàn giao thông cho hành khách và người đi xe mô tô, xe gắn máy"; Kế hoạch số 03/KH-B.ATGT ngày 01 tháng 03 năm 2019 của Ban An toàn giao thông huyện Tân Biên, về việc phát động phong trào thi đua thực hiện Cuộc vận động xây dựng phong trào "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước" giai đoạn 2016 – 2020; Công văn số 20/HĐPH, ngày 06 tháng 5 năm 2019 của Hội đồng PH PBGDPL huyện về việc phát động tham gia cuộc thi viết "Tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông đường bộ" trên Báo Tây Ninh năm 2019; Kế hoạch số 149/KH-PTP ngày 23/5/2019 của Phòng Tư pháp huyện về thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021.Bên cạnh đó, Ban an toàn giao thông huyện đã tổ chức ký kết giao ước thi đua giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị và đồng loạt ra quân thực hiện năm an toàn toàn từ huyện và các xã, thị trấn. Đây là những văn bản và những khởi động quan trọng để tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, Nhân dân về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân của người tham gia giao thông, chủ động phòng tránh tai nạn giao thông vì an toàn bản thân và mọi người.
Hạn chế tai nạn giao thông nhằm mục tiêu liên tục giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương và giảm thiểu những tổn hại vật chất là trách nhiệm trước hết của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội và trực tiếp là trách nhiệm của người tham gia giao thông. Các nhóm giải pháp phải đồng bộ, kiên quyết, thực hiện từng bước, kiên trì, liên tục, lâu dài với sự tham gia của mọi tổ chức và cá nhân, với sự nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên.
Năm 2019, tập trung tuyên truyền những nội dung sau:
1. Tuyên truyền về các từ ngữ dùng trong Luật GTĐB (điều 3 Luật GTĐB) để mọi người dễ hiểu khi tiếp cận nghiên cứu văn bản pháp luật về ATGT và khi tham gia giao thông.
2. Tuyên truyền về các hành vi bị nghiêm cấm (điều 8 Luật GTĐB) để mọi người nghiêm túc chấp hành khi tham gia giao thông và không vi phạm.
3. Tuyên truyền về hệ thống báo hiệu đường bộ (điều 10, điều 11 Luật GTĐB và Thông tư số 06/2016/TT-BGTVT) để mọi người nhận biết và chấp hành khi tham gia giao thông như:
- Giới thiệu quy định về chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
- Giới thiệu quy định về chấp hành đèn tín hiệu giao thông.
- Giới thiệu quy định về chấp hành biển báo hiệu giao thông.
- Giới thiệu quy định về chấp hành vạch kẻ đường.
4. Tuyên truyền về quy tắc GTĐB
Giới thiệu, giải thích, hướng dẫn việc thực hiện quy định của pháp luật về Quy tắc GTĐB, hệ thống báo hiệu đường bộ. Trong đó, lựa chọn những quy định mà người tham gia GTĐB thường vi phạm là nguyên nhân chủ yếu gây ra các vụ TNGT. Đối tượng được tuyên truyền là người điều khiển phương tiện cơ giới, người đi xe đạp và người đi bộ.
4.1. Đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ:
a. Cảnh báo những hành vi vi phạm phổ biến khi tham gia giao thông:
- Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định.
- Đi không đúng làn đường, phần đường quy định.
- Tránh, vượt, chuyển hướng không đúng quy định.
- Không nhường đường tại nơi đường giao nhau.
- Dừng xe, đỗ xe không đúng quy định.
b. Nội dung phổ biến, hướng dẫn:
- Hướng dẫn tốc độ xe (Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT):
+ Giới thiệu quy định về tốc độ tối đa cho phép của phương tiện cơ giới khi tham gia giao thông trên đường bộ (trong khu vực đông dân cư, ngoài khu vực đông dân cư) đối với từng loại xe và các trường hợp người điều khiển xe cơ giới phải giảm tốc độ;
+ Hướng dẫn cách nhận biết tốc độ tối đa cho phép của phương tiện cơ giới tham gia GTĐB thông qua việc giải thích ý nghĩa của biển báo tốc độ tối đa cho phép, biển báo hiệu khu đông dân cư trên đường bộ để người điều khiển làm chủ tốc độ, không đi quá tốc độ quy định.
+ Hướng dẫn những trường hợp phải giảm tốc độ để bảo đảm an toàn khi điều khiển xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ.
- Hướng dẫn đi đúng làn đường, phần đường (điều 13 Luật GTĐB):
+ Giới thiệu quy định về sử dụng làn đường, phần đường;
+ Hướng dẫn cách nhận biết các quy định về làn đường, phần đường dành cho các loại phương tiện cơ giới đường bộ thông qua việc giải thích ý nghĩa của biển chỉ dẫn đường dành cho xe ôtô, xe máy; tín hiệu giao thông trên mặt đường như: vạch tim đường để phân chia hai luồng xe ngược chiều, vạch phân chia các làn xe trên đường để người điều khiển phương tiện đi đúng làn đường, phần đường (Thông tư số 06/2016/TT-BGTVT).
- Hướng dẫn chuyển hướng xe (điều 15 Luật GTĐB): Giới hiệu các quy định về chuyển hướng xe để người điều khiển xe thực hiện đúng các quy định khi chuyển hướng xe, quay đầu xe; hướng dẫn cho người điều khiển phương tiện nhận biết khu vực được phép quay xe, chuyển hướng xe thông qua biển báo, vạch tín hiệu giao thông trên đường bộ.
- Hướng dẫn vượt xe, tránh xe đi ngược chiều (Điều 14, Điều 17 Luật GTĐB):
+ Giới thiệu các quy định về vượt xe, tránh xe đi ngược chiều;
+ Hướng dẫn cách nhận biết các tình huống nguy hiểm, đoạn đường nguy hiểm không được phép vượt, phải nhường đường cho xe đi ngược chiều thông qua việc giải thích ý nghĩa của biển báo cấm, biển báo nguy hiểm để người điều khiển phương tiện nhận biết các nguy cơ mất an toàn trên đoạn đường đang lưu thông.
- Hướng dẫn quy định nhường đường tại nơi đường giao nhau (điều 24 Luật GTĐB):
+ Giới thiệu các quy định về nhường đường, giảm tốc độ tại nơi đường giao nhau;
+ Hướng dẫn cho người điều khiển phương tiện nhận biết những nơi có đường giao nhau thông qua việc giải thích ý nghĩa biển báo hiệu đường giao nhau, biển báo hiệu nguy hiểm, hoặc tại những nơi không có biển báo để người điều khiển phương tiện giảm tốc độ và nhường đường theo quy định.
- Hướng dẫn dừng xe, đỗ xe trên đường bộ, đường phố trong đô thị (điều 18, 19 Luật GTĐB): Giới thiệu các quy định về dừng, đỗ xe trên đường bộ, trên đường phố; hướng dẫn cho người điều khiển phương tiện biết các vị trí dừng, đỗ xe, cách dừng xe, đỗ xe để không gây cản trở, nguy hiểm cho các phương tiện khác.
c. Giới thiệu kinh nghiệm: Giới thiệu kinh nghiệm của các nước trong khu vực trong việc tổ chức giao thông, phân làn giao thông trên đường bộ; giới thiệu mô hình tổ chức giao thông, phân làn giao thông đang được triển khai ở thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh (nếu có).
4.2. Đối với người đi xe đạp:
a. Cảnh báo những hành vi vi phạm phổ biến khi tham gia giao thông:
- Đi vào phần đường, làn đường dành cho xe cơ giới.
- Đi ngược chiều, đi dàn hàng ngang.
b. Nội dung phổ biến, hướng dẫn (điều 31 Luật GTĐB):
Để người đi xe đạp không mắc phải những lỗi vi phạm trên, cần tập trung hướng dẫn các quy định đối với người điều khiển xe đạp; hướng dẫn cho người đi xe đạp đi đúng phần đường, làn đường dành cho người đi xe đạp (nội dung tương tự như đối với người điều khiển phương tiện cơ giới).
4.3. Đối với người đi bộ:
a. Cảnh báo những hành vi vi phạm phổ biến khi tham gia giao thông:
- Đi bộ dưới lòng đường.
- Vượt qua đường bộ ở những nơi không có đèn tín hiệu, vạch kẻ đường.
- Thiếu tập trung quan sát khi qua đường.
- Trèo qua dải phân cách.
b. Nội dung phổ biến, hướng dẫn (điều 32 Luật GTĐB):
Để người đi bộ hiểu và tự giác chấp hành Quy tắc GTĐB, không mắc phải các lỗi vi phạm nói trên, cần tập trung hướng dẫn các nội dung sau:
- Giới thiệu các quy định đối với người đi bộ;
- Hướng dẫn người đi bộ đi trên vỉa hè, lề đường, không đi bộ dưới lòng đường, không vượt qua dải phân cách, qua đường tại những nơi có đèn tín hiệu, vạch đi bộ qua đường.
- Hướng dẫn cho người đi bộ qua đường tại những nơi không có đèn tín hiệu, vạch đi bộ qua đường, phải quan sát và chỉ qua đường khi thấy an toàn.
5. Tuyên truyền về đội mũ bảo hiểm (Thông tư số 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT)
Để nâng cao hơn nữa ý thức tự giác đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách (bao gồm cả việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em) khi đi xe môtô, xe gắn máy, xe đạp máy theo quy định mới của Luật GTĐB, cần tiếp tục duy trì các nội dung và chương trình đã thực hiện trước đây. Trong nội dung tuyên truyền cần cập nhật thêm những thông tin sau:
- Phổ biến các quy định về đội mũ bảo hiểm, đặc biệt là việc quy định bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm cho tất cả các đối tượng là người điều khiển, người ngồi trên xe môtô, xe gắn máy, xe đạp máy.
- Cảnh báo hậu quả thương tích khi xảy ra TNGT, nguy cơ chấn thương sọ não do không đội mũ bảo hiểm, đặc biệt là thương tích đối với trẻ em.
- Hướng dẫn cách chọn mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn.
- Hướng dẫn đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách để có thể bảo vệ được sọ não khi xảy ra TNGT.
- Khuyến khích việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em.
- Giới thiệu kinh nghiệm của các nước đã thành công trong việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe gắn máy, việc thực hiện đội mũ bảo hiểm cho trẻ em và kinh nghiệm một số địa phương thực hiện tốt trong nước (nếu có).
6. Tuyên truyền về không uống rượu, bia
Để nâng cao ý thức tự giác chấp hành quy định về không uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, nội dung tuyên truyền cần tập trung những nội dung sau:
- Đưa ra các khuyến cáo ảnh hưởng của việc uống rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông như: Nồng độ cồn trong máu và hơi thở cao làm giảm khả năng nhận biết, phán đoán các tình huống nguy hiểm, kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông, làm tăng nguy cơ TNGT.
- Cảnh báo nguy cơ TNGT đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt mức theo quy định.
- Phổ biến các quy định mới về nồng độ cồn trong máu và hơi thở đối với người điều khiển xe ôtô, máy kéo, máy chuyên dùng, xe môtô, xe gắn máy của Luật GTĐB (Khoản 8 Điều 8 Luật GTĐB).
- Hướng dẫn người điều khiển phương tiện cơ giới khi tham gia giao thông những kinh nghiệm để tự nhận biết giới hạn nồng độ cồn trong máu và hơi thở theo quy định.
- Giới thiệu các biện pháp, công cụ của lực lượng Công an để phát hiện, xử lý hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở.
- Giới thiệu kinh nghiệm của các nước trong việc kiểm soát nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ (nếu có).
7. Tuyên truyền ATGT qua các thông điệp, khẩu hiệu
Đưa ra các thông điệp, khẩu hiệu dễ thuộc, dễ nhớ để người tham gia giao thông hưởng ứng thực hiện như:
"Toàn dân tự giác chấp hành Luật GTĐB";
"Văn hóa giao thông là tự giác chấp hành Luật GTĐB";
"Đi đúng phần đường, làn đường khi lái xe";
"Không điều khiển xe vượt quá tốc độ quy định";
"Không lái xe khi đã uống rượu, bia";
"Phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe môtô, xe gắn máy, xe đạp máy";
"Tuân thủ quy định tốc độ khi lái xe";
"Tốc độ càng tăng, an toàn càng giảm";
"Nhanh một phút, chậm cả đời";
"Cha mẹ hãy là tấm gương cho con về ý thức giao thông";
"Hãy thể hiện mình là người có văn hóa khi tham gia giao thông";
"Đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe máy - là bảo vệ chính mình";
"ATGT - Tính mạng con người là trên hết";
"Niềm vui theo em đến trường là sự an toàn trên từng bước đi";
"ATGT cho trẻ em là hạnh phúc của chúng ta";
"Bảo vệ trẻ em không bị TNGT là hạnh phúc của mọi người, mọi nhà";
"Hãy giáo dục cho con em chúng ta về an toàn khi tham gia giao thông";
"Đội mũ bảo hiểm cho con chính là bảo vệ trí tuệ tương lai của đất nước";
"Tuân thủ luật giao thông để mỗi ngày đến trường là một ngày vui";
"Đất nước hạnh phúc là đất nước ATGT";
8. Tuyên truyền về tiêu chí văn hóa giao thông (Quyết định số 3500/QĐ-BVHTTDL)
8.1. Tiêu chí chung
- Tự giác chấp hành pháp luật về giao thông;
- Thực hiện nghiêm nhiệm vụ, tác phong chuẩn mực, văn minh;
- Tôn trọng, nhường nhịn, giúp đỡ mọi người khi tham gia giao thông;
- Có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông;
- Đi đúng làn đường, phần đường quy định;
- Không tham gia đua xe và cổ vũ đua xe trái phép;
- Tuân thủ pháp luật khi xử lý và bị xử lý các hành vi vi phạm trật tự ATGT.
- Tạo dựng kết cấu hạ tầng giao thông chuẩn mực, an toàn;
- Có ý thức văn hóa xây dựng môi trường giao thông thân thiện, an toàn.
8.2. Tiêu chí cụ thể cho người tham gia giao thông
- Không vi phạm và tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật, trật tự ATGT.
- Chấp hành nghiêm túc hệ thống báo hiệu đường bộ, đi đúng phần đường, làn đường quy định; không sử dụng rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định.
- Bảo đảm tình trạng sức khỏe về thể chất và tinh thần khi tham gia giao thông.
- Duy trì phương tiện tham gia giao thông an toàn, sạch đẹp.
- Có thái độ hợp tác, hành vi ứng xử văn minh, lịch sự khi xảy ra TNGT.
- Có trách nhiệm phản ánh và lên án các hành vi tiêu cực; tích cực đề xuất các sáng kiến trong lĩnh vực giao thông.
- Tận tình giúp đỡ người bị nạn, người già, người khuyết tật, trẻ em, người có hoàn cảnh khó khăn khi tham gia giao thông.
- Tuyên truyền, vận động người tham gia giao thông tự giác chấp hành pháp luật trật tự, ATGT.
9. Tuyên truyền quy định về chế tài xử phạt (Nghị định số 46/2016/NĐ-CP)
Các nội dung tuyên truyền nêu trên cần kèm theo các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB để người tham gia giao thông biết được hậu quả phải gánh chịu khi vi phạm (trách nhiệm hành chính, dân sự, hình sự). Việc viện dẫn hình thức và mức xử phạt phải chính xác tương ứng với từng hành vi vi phạm, mức độ vi phạm quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB. Cụ thể:
- Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật GTĐB thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và mức án cao nhất có thể lên đến 15 năm tù; nếu gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
- Theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB thì: Một hành vi vi phạm hành chính có thể bị phạt cảnh cáo hoặc bị phạt tiền đến 40 triệu đồng; Ngoài việc bị phạt tiền người vi phạm còn có thể bị: tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn từ 1 tháng đến 24 tháng; bị buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; bị tạm giữ phương tiện từ 7 ngày đến 60 ngày hoặc bị tịch thu phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính; có thể bị thông báo vi phạm về nơi cư trú, học tập, công tác để xem xét trách nhiệm của công dân theo quy định....
10. Một số lưu ý về vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội trong công tác giáo dục an toàn giao thông cho học sinh:
Các lỗi vi phạm chủ yếu của các em học sinh là: không đủ tuổi hoặc không có giấy phép lái xe điều khiển xe; chạy quá tốc độ quy định; lạng lách, đánh võng; chở quá số người quy định; không đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện; kéo, đẩy xe khác; không chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ (vượt đèn đỏ, đi vào đường ngược chiều, đi không đúng phần đường); Điều khiển xe chạy dàn hàng ngang từ 3 (ba) xe trở lên ... Đây là những lỗi vi phạm là nguyên nhân chủ yếu gây ra các vụ TNGT hoặc khi xảy ra TNGT thường để lại hậu quả nhiêm trọng.
Có nhiều ý kiến hiện nay cho rằng: để học sinh vi phạm luật an toàn giao thông như không đủ tuổi, không có GPLX điều khiển xe…, phần lớn là do phụ huynh tạo ra. Vì chính bản thân các em sẽ khó có khả năng trang bị cho mình một chiếc xe cơ giới. Trong khi các em chưa hiểu nhiều về pháp luật ATGT, chưa được đào tạo kỹ năng lái xe.... Do đó để đẩy lùi hiểm họa TNGT cũng như cải thiện tình trạng giao thông hiện nay thì việc giáo dục ý thức khi tham gia giao thông là một hướng đi tích cực có tính bền vững lâu dài. Với những lý do trên xin đề nghị:
10.1. Mỗi người lớn, mỗi bậc phụ huynh phải là tấm gương cho con em mình. Không được để những hành vi vi phạm pháp luật, như vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm khi lái xe... của người lớn, khiến các em "ngơ ngác", khi hành động đó khác với những gì thầy cô dạy. Hãy tự giác chấp hành pháp luật về ATGT; chủ động nhường đường; thân thiện với người đồng hành; không điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia; hạn chế sử dụng còi; sẵn sàng giúp đỡ người bị tai nạn giao thông… Hội Phụ huynh học sinh nhà trường nên bầu ra một đồng chí chuyên trách để thường xuyên tiếp nhận thông tin từ cơ quan chức năng, từ nhà trường rồi thông báo về các gia đình, tăng cường sự phối hợp và có biện pháp giáo dục. Yêu cầu phụ huynh học sinh ký cam kết với nhà trường trong việc không giao mô tô, xe xe máy cho học sinh khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe và đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông.
10.2. Về phía nhà trường: Ngoài việc thường xuyên phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật Giao thông đường bộ thì đề nghị Ban Giám hiệu cũng cần có những hình thức tuyên truyền phù hợp như tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, các buổi học chính khóa, ngoại khóa, tổ chức các chương trình văn nghệ, thi sáng tác, biểu diễn các tiểu phẩm, thơ, ca, hò, vè gắn với các hoạt động của phong trào Đoàn, Hội, Đội để phổ biến Luật Giao thông đường bộ cho học sinh; đẩy mạnh cuộc vận động "Học sinh, sinh viên với văn hóa giao thông", nhân rộng mô hình "Cổng trường an toàn giao thông", tổ chức một đội thanh niên xung kích làm nhiệm vụ phân luồng giao thông, trực nhắc nhở, ghi lại tên, lớp những học sinh vi phạm để báo cáo lên Ban Giám hiệu nhà trường thực hiện cảnh báo trước toàn trường… Kịp thời nhắc nhở phụ huynh, học sinh chấp hành các quy định về ATGT; quan tâm điều tiết, sắp xếp khu vực dừng, đỗ xe hợp lý, tránh ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm trước cổng trường…. Đồng thời đưa nội dung chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông vào nội quy nhà trường và là một trong các nội dung đánh giá thi đua năm học…. Các giáo viên chủ nhiệm cũng phải có trách nhiệm trong việc quản lý học sinh, quan tâm nhắc nhở, có hình thức kiểm tra, giám sát hàng ngày đối với học sinh; đưa các tình huống xảy ra khi tham gia giao thông để học sinh thảo luận và đề ra phương án giải quyết trong các giờ sinh hoạt lớp và các hoạt động ngoại khóa....
10.3. Đối với các em học sinh: Chúng ta được mai mắn được sống trong một xã hội hòa bình, được sự quan tâm chăm sóc giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội; được học những kiến thức cần thiết để đảm bảo an toàn giao thông từ khi còn là học sinh tiểu học; và thực tế đã chứng minh, tìm hiểu về luật an toàn giao thông và nghiêm chỉnh chấp hành luật khi tham gia giao thông là điều vô cùng quan trọng. Vì chỉ có như thế mới giảm thiểu được khả năng gây ra hoặc gặp phải tai nạn giao thông cho mình và cho người khác. Vậy thì đây chính là lúc các bạn cần áp dụng kiến thức vào thực tiễn để bảo vệ bản thân, gia đình và bạn bè, đồng thời góp phần giữ gìn trật tự an toàn giao thông cho toàn xã hội…. Các em là tương lai của đất nước, sức khỏe, thành công của các bạn là mềm vinh dự cho gia đình và là mềm vinh quang của Tổ quốc. Vì thế, ngay ngày hôm nay, chúng ta hãy cùng chung tay hành động vì tương lai, vì một xã hội an toàn, không tai nạn giao thông… Một người có ý thức cao, nhiều người có ý thức cao, thì tình trạng giao thông của Việt Nam chắc chắn sẽ được thay đổi. Mong rằng chúng ta tìm hiểu thêm trong sách vở, qua các phương tiện thông tin đại chúng... để nâng cao kiến thức pháp luật về ATGT và hãy biến những kiến thức đó thành ý thức tự giác, thành thói quen vì một cuộc sống an toàn, vì một xã hội đầy tình người và không có tai nạn giao thông!
11. Tuyên truyền 10 nguyên tắc vàng đểm đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông đường bộ
1. Người đi bộ phải chú ý quan sát và nhường đường cho các phương tiện giao thông khi qua đường.
2. Khi đi xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm bảo đảm chất lượng và cài quay đúng quy cách.
3. Hãy thắt dây an toàn khi đi xe ô tô ở tất cả các hàng ghế có trang bị dây an toàn.
4. Khi tham gia giao thông phải đi bên phải, đi đúng phần đường, làn đường và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.
5. Không sử dụng điện thoại hoặc làm các việc khác gây mất tập trung khi lái xe.
6. Phải ra tín hiệu trước khi cho xe chuyển hướng.
7. Đã uống rượu, bia thì không lái xe.
8. Không chạy quá tốc độ quy định và phóng nhanh, vượt ẩu khi lái xe.
9. Hãy giữ khoảng cách an toàn với xe chạy phía trước để kịp thời xử lý các hình huống bất ngờ có thể xảy ra.
10. Hãy tôn trọng, nhường nhịn và giúp đỡ mọi người khi tham gia giao thông, để thể hiện mình là người có văn hóa giao thông.
III. HÌNH THỨC VÀ PHƯƠNG PHÁP TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN
1. Phương pháp tuyên truyền, phổ biến
- Phương pháp tuyên truyền đa dạng, phong phú, các nội dung tuyên truyền dễ hiểu, dễ nhớ, có tính thuyết phục cao.
- Huy động sự tham gia của các cơ quan truyền thông, các tổ chức chính trị - xã hội ngành nghề, UBND các cấp, hệ thống cơ quan ATGT của địa phương, các doanh nghiệp, tổ dân cư ở thị trấn, xã và gia đình.
- Tuyên truyền liên tục, thường xuyên, từng giai đoạn, tập trung vào những chủ đề cụ thể để tuyên truyền theo hướng dẫn của Đề cương này.
2. Hình thức tuyên truyền, phổ biến
- Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Tuyên truyền trong chương trình giáo dục, giảng dạy phổ biến pháp luật ATGT của các trường học.
- Tuyên truyền trong cộng đồng dân cư, trong các cơ quan, doanh nghiệp.
- Tuyên truyền thông qua các hoạt động khác.
Để góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông, từng bước hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn giao thông, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân cần kiên trì thực hiện đồng bộ, lâu dài các giải pháp nêu trên, góp phần quan trọng bảo đảm trật tự an toàn giao thông, góp phần thực hiện hiệu quả chủ đề "An toàn giao thông cho hành khách và người đi xe mô tô, xe gắn máy"trên địa bàn huyện./.
Ý kiến bạn đọc