TÀI LIỆU GIỚI THIỆU LUẬT THƯ VIỆN

Thứ tư - 08/01/2020 10:02 192 0

TÀI LIỆU GIỚI THIỆU LUẬT THƯ VIỆN

 

Ngày 21 tháng 11 năm 2019, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV đã thông qua Luật Thư viện số 46/2019/QH14. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020. Pháp lệnh Thư viện số 32/2000/PL-UBTVQH10 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

I. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG LUẬT, CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP THƯ VIỆN VÀ VĂN HÓA ĐỌC

1. Quan điểm xây dựng Luật Thư viện

1.1. Tiếp tục thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên tinh thần hoàn thiện thể chế về thư viện, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân trong lĩnh vực văn hóa, kinh tế, xã hội, bảo đảm tính đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành và tính khả thi trong thực tiễn.

1.2. Khẳng định vai trò của thư viện trong phát triển văn hoá, khoa học, giáo dục của đất nước, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam; mở rộng chức năng và hoạt động của thư viện nhằm tăng cường năng lực cung ứng dịch vụ công song hành với tăng cường tính tự chủ của thư viện.

  1.3. Việc xây dựng Luật Thư viện phải trên cơ sở luận cứ khoa học và tổng kết thực tiễn thi hành; tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của một số nước trong khu vực và trên thế giới, vận dụng phù hợp với thông lệ và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia; kế thừa các quy định còn phù hợp với Pháp lệnh Thư viện và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn, đồng thời bảo đảm điều chỉnh kịp thời các quan hệ mới phát sinh trong hoạt động thư viện; đơn giản hóa các thủ tục hành chính về điều kiện, thủ tục thành lập thư viện, tạo sự thông thoáng nhằm thúc đẩy sự nghiệp thư viện phát triển.

1.3. Thúc đẩy việc đa dạng hóa các loại hình thư viện, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thư viện, đẩy mạnh xã hội hóa để phát huy các nguồn lực trong xã hội, tạo điều kiện cho người dân có thêm cơ hội tiếp cận thông tin, tri thức phục vụ học tập suốt đời.

2. Chính sách của Nhà nước trong việc phát triển sự nghiệp thư viện và phát triển văn hóa đọc 

Luật Thư viện cụ thể hóa các chính sách của Nhà nước về phát triển sự nghiệp thư viện và phát triển văn hóa đọc, bao gồm:

- Đa dạng hóa các loại hình thư viện nhằm đẩy mạnh xã hội hóa để phát huy các nguồn lực, tài nguyên thông tin tạo điều kiện cho người dân có thêm cơ hội để tiếp cận thông tin, tri thức.

- Phát triển loại hình thu viện số, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân được tiếp cận và sử dụng tài nguyên thông tin ở mọi nơi, mọi lúc.

- Bảo đảm tính minh bạch, cơ chế xử lý toàn diện đối với thư viện và bảo vệ tài nguyên thông tin thư viện thông qua các điều kiện thành lập, hợp nhất, chia tách, sáp nhập,  giải thể, chấm dứt hoạt động thư viện.

- Mở rộng chức năng và hoạt động của thư viện công lập nhằm tăng cường năng lực cung ứng dịch vụ công của thư viện phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí của nhân dân.

II. BỐ CỤC, NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT THƯ VIỆN

1. Bố cục của Luật Thư viện

Luật Thư viện bao gồm: 06 chương, 52 điều với bố cục như sau:

- Chương 1: Quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 8);

- Chương 2: Thành lập thư viện (từ Điều 9 đến Điều 23);

- Chương 3: Hoạt động thư viện (từ Điều 24 đến Điều 37);

- Chương 4: Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt đông thư viện (từ Điều 38 đến Điều 47);

- Chương 5: Trách nhiệm quản lý nhà nước về thư viện (từ Điều 48 đến Điều 50);

- Chương 6: Điều khoản thi hành (Điều 51 và 52).

2. Nội dung cơ bản và những điểm mới của Luật Thư viện

2.1. Chương I. Quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 8)

a) Về phạm vi điều chỉnh

So với Pháp lệnh Thư viện, Luật Thư viện mở rộng phạm vi điều chỉnh, quy định về thành lập, hoạt động thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; quản lý nhà nước về thư viện; bổ sung đối tượng áp dụng: tổ chức cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động thư viện hoặc có liên quan đến hoạt động thư viện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Luật Thư viện giải thích 07 thuật ngữ thư viện bao gồm: Thư viện, thư viện số, tài nguyên thông tin, tài nguyên thông tin mở, tiện ích thư viện, dịch vụ thư viện, liên thông thư viện. Các thuật ngữ này được xây dựng bảo đảm tính thống nhất trong cách hiểu, gắn với xu thế phát triển của thư viện hiện đại và bảo đảm tính thực thi trong thực tiễn.

b) Chức năng, nhiệm vụ của thư viện

Xác định chức năng nhiệm vụ của thư viện (Điều 4) với 04 chức năng, nhiệm vụ cơ bản áp dụng với tất cả các loại thư viện Việt Nam trên cơ sở khẳng định vai trò của thư viện trong phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học của đất nước với các chức năng: Xây dựng, xử lý, lưu giữ, bảo quản, kết nối và phát triển tài nguyên thông tin phù hợp với người sử dụng thư viện; Tổ chức sử dụng chung tài nguyên thông tin, sản phẩm và dịch vụ thư viện góp phần truyền bá tri thức của dân tộc và nhân loại; phục vụ nhu cầu học tập; giải trí; góp phần hình thành và phát triển kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, năng lực của người sử dụng thư viện; Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Mặt khác, nhằm tăng cường hiện đại hóa thư viện, Luật đã bổ sung chế định về ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, hiện đại hóa thư viện như một nội dung bắt buộc đối với các loại thư viện.

c) Chính sách của Nhà nước về phát triển thư viện (Điều 5) và xã hội hóa trong hoạt động thư viện (Điều 6)

Luật Thư viện xác định chính sách của Nhà nước về phát triển sự nghiệp thư viện và xã hội hóa trong hoạt động thư viện ở 03 cấp độ, cụ thể là:

Thứ nhất, Nhà nước đầu tư cho thư viện công lập, cụ thể là: (1) Đầu tư trọng điểm cho Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện cấp tỉnh và một số thư viện có vai trò quan trọng; (2) Đầu tư cho một số hoạt động thư viện như: hiện đại hóa thư viện; xây dựng thư viện số, tài nguyên thông tin dùng chung, tài nguyên thông tin mở; liên thông thư viện trong nước và nước ngoài. Sưu tầm, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu cổ, quý hiếm, các bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học. Tổ chức dịch vụ thư viện lưu động, luân chuyển tài nguyên thông tin phục vụ khu vực biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực và phát triển nguồn nhân lực thư viện. Nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trong hoạt động thư viện.

Thứ hai, Nhà nước hỗ trợ đầu tư, bao gồm: Cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực thư viện, phát triển văn hóa đọc; Duy trì và phát triển thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng; Cước vận chuyển tài liệu thư viện phục vụ nhiệm vụ chính trị, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo; Hợp tác quốc tế về thư viện.

Thứ ba, Nhà nước khuyến khích xã hội hóa hoạt động thư viện. Nội dung này được cụ thể hóa tại Điều 6 của Luật, theo đó cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân được tạo điều kiện để đầu tư, tài trợ, viện trợ, đóng góp phát triển sự nghiệp thư viện, văn hoá đọc, xây dựng và phát huy không gian đọc, phòng đọc cơ sở và được hưởng các ưu đãi, được ghi nhận và vinh danh theo quy định của pháp luật.

d) Tài nguyên thông tin hạn chế sử dụng trong thư viện (Điều 7)

Đây là chế định mới được bổ sung quy định tài nguyên thông tin hạn chế sử dụng trong thư viện trên tinh thần quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Nội dung cụ thể về tài nguyên thông tin hạn chế sử dụng, nguyên tắc sử dụng tài nguyên thông tin hạn chế sử dụng trong thư viện được giao cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định.

đ) Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thư viện (Điều 8)

Luật Thư viện kế thừa các quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong Pháp lệnh Thư viên năm 2000, đồng thời bổ sung một số hành vi mới liên quan đến triển khai xây dựng thư viện số để ngăn ngừa và có cơ sở xử lý các hành vi vi phạm. Các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: Lợi dụng hoạt động thư viện để xuyên tạc chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kích động bạo lực, gây thù hằn giữa các dân tộc, tôn giáo; tuyên truyền chiến tranh xâm lược; phá hoại thuần phong mỹ tục; truyền bá mê tín; lôi kéo người sử dụng thư viện vào các tệ nạn xã hội; cung cấp tài nguyên thông tin thuộc bí mật của Nhà nước, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; hạn chế quyền tiếp cận và sử dụng tài nguyên thông tin của người sử dụng thư viện trái với quy định của pháp luật, cung cáp thông tin về người sử dụng thư viện, trừ trường hợp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chiếm dụng, đánh tráo, hủy hoại, làm hư hỏng tài nguyên thông tin; xâm nhập trái phép vào hệ thống thông tin thư viện, cơ sở dữ liệu thư viện; làm sai lệch, gián đoạn hoặc phá hoại hệ thống thông tin thư viện, cơ sở dữ liệu thư viện.

2.2. Chương II. Thành lập thư viện (từ Điều 9 đến Điều 23)

Chương này được phân thành 02 mục, Mục 1 quy định về về mạng lưới thư viện (từ Điều 9 đến Điều 17) và Mục 2 quy định về thành lập, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể thư viện (từ Điều 18 đến Điều 23) đã thiết lập mạng lưới thư viện trên toàn lãnh thổ Việt Nam trên tinh thần đa dạng hóa các loại thư viện, kiện toàn củng cố thư viện công lập, đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển thư viện ngoài công lập.

a) Các loại thư viện

Luật Thư viện quy định các loại thư viện ở Việt Nam bao gồm: Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện công cộng, Thư viện chuyên ngành, Thư viện lực lượng vũ trang nhân dân, Thư viện cơ sở giáo dục đại học, Thư viện cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác, Thư viện cộng đồng và thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng và Thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam. Các loại thư viện này được tổ chức theo 02 mô hình đó là: Thư viện công lập và Thư viện ngoài công lập.

Trên cơ sở xác định các loại thư viện, Luật đã quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của từng loại thư viện. Theo đó, ngoài các chức năng, nhiệm vụ chung được quy định tại Điều 4 của Luật, tương ứng với mỗi loại thư viện, Luật có những quy định phù hợp với đặc thù của từng loại thư viện trên tinh thần kiện toàn hệ thống thư viện, đẩy mạnh xã hội hóa, tạo hành lang pháp lý để các thư viện phát huy vai trò của mình trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, hưởng thụ các giá trị văn hóa, học tập suốt đời và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

- Thư viện Quốc gia Việt Nam (Điều 10)

 Thư viện Quốc gia Việt Nam là thư viện trung tâm của cả nước.

Thư viện Quốc gia Việt Nam thực hiện chức năng, nhiệm vụ quy định tại Điều 4 của Luật này và các chức năng, nhiệm vụ sau đây: (i) Tiếp nhận, bảo quản, lưu giữ vĩnh viễn xuất bản phẩm, ấn phẩm báo chí được xuất bản tại Việt Nam theo quy định của pháp luật; luận án tiến sĩ của công dân Việt Nam bảo vệ ở trong nước và nước ngoài; luận án tiến sĩ của người nước ngoài bảo vệ tại Việt Nam; (ii) Bổ sung và phổ biển tài liệu về Việt Nam, tài liệu tiêu biểu của nước ngoài; (iii) Xây dựng hệ thống thông tin thư mục quốc gia; chủ trì, phối hợp với thư viện của các Bộ, ngành và thư viện khác trong nước xây dựng Tổng mục lục Việt Nam; công bố, chia sẻ thông tin thư mục quốc gia, tài nguyên thông tin số cho thư viện có nhu cầu, trừ tài nguyên thông tin hạn chế sử dụng theo quy định của Luật này và pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, tiếp cận thông tin, lưu trữ; (iv) Nghiên cứu khoa học thông tin thư viện; (v) Thực hiện biên mục tập trung; chủ trì, phối hợp với các thư viện xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu toàn văn, thư viện số; (vi) Hợp tác, trao đổi tài nguyên thông tin với thư viện trong nước và nước ngoài; tham gia diễn đàn, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về thư viện theo quy định của pháp luật; (vii) Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho các thư viện trong cả nước theo phân công và thực hiện nhiệm vụ khác do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao.

- Thư viện công cộng (Điều 11)

Thư viện công cộng là thư viện có tài nguyên thông tin tổng hợp phục vụ Nhân dân, gồm thư viện cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, thực hiện chức năng, nhiệm vụ quy định tại Điều 4 của Luật. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng cấp thư viện công cộng như sau:

Thư viện cấp tỉnh: (i) Thu thập tài liệu cổ, quý hiếm; tài nguyên thông tin về tiếng nói, chữ viết của người dân tộc thiểu số; tài nguyên thông tin của địa phương và về địa phương; (ii) Xây dựng cơ sở dữ liệu, thư viện số về địa phương; phổ biến tài nguyên thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương; (iii) Hỗ trợ, hướng dẫn, trang bị kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin cho người sử dụng thư viện; (iv) Tổ chức khu vực đọc phục vụ trẻ em, người khuyết tật; (v) Tham gia xây dựng thư viện công cộng huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là thư viện cấp huyện), thư viện công cộng xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là thư viện cấp xã); (vi) Tổ chức thư viện lưu động, luân chuyển tài nguyên thông tin, tiện ích thư viện; (vii) Tổ chức triển lãm và hoạt động khác nhằm phát triển văn hóa đọc; (viii) Thực hiện liên thông với thư viện trong nước và nước ngoài;(ix) Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho thư viện trên địa bàn theo phân công và thực hiện nhiệm vụ khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao.

Thư viện cấp huyện: (i) Tiếp nhận tài nguyên thông tin, tiện ích thư viện từ thư viện cấp tỉnh; (ii) Luân chuyển tài nguyên thông tin đến thư viện trên địa bàn; (iii) Tổ chức hoạt động phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của Nhân dân trên địa bàn; (iv) Thực hiện nhiệm vụ khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao.

Thư viện cấp xã: (i) Tiếp nhận tài nguyên thông tin, tiện ích thư viện từ thư viện cấp tỉnh, thư viện cấp huyện và các nguồn hợp pháp khác; (ii) Luân chuyển tài nguyên thông tin đến thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng trên địa bàn; (iii) Tham gia xây dựng văn hóa đọc, hình thành thói quen đọc cho Nhân dân trên địa bàn; (iv) Thực hiện nhiệm vụ khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao.

- Thư viện chuyên ngành (Điều 12)

Thư viện chuyên ngành là thư viện có tài nguyên thông tin chuyên sâu về một ngành, lĩnh vực hoặc nhiều ngành, lĩnh vực phục vụ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức chủ quản.

Thư viện chuyên ngành gồm thư viện của cơ quan nhà nước; thư viện của tổ chức khoa học và công nghệ; thư viện của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; thư viện của tổ chức kinh tế.

Thư viện chuyên ngành có chức năng, nhiệm vụ cụ thể sau đây: (i) Phát triển tài nguyên thông tin phù hợp với chuyên ngành phục vụ; tiếp nhận, bổ sung và tổ chức khai thác tài nguyên thông tin từ hoạt động nghiên cứu, công bố khoa học, tài liệu hội nghị, hội thảo, báo cáo nghiên cứu, khảo sát của cán bộ nghiên cứu, cơ quan, tổ chức chủ quản và đề án, dự án, tạp chí chuyên ngành của cơ quan, tổ chức chủ quản; (ii) Xây dựng cơ sở dữ liệu, thư viện số chuyên ngành nội sinh; bổ sung và mua quyền truy cập tài nguyên thông tin chuyên ngành nước ngoài; (iii) Thực hiện liên thông với thư viện trong nước và nước ngoài; (iv) Thực hiện nhiệm vụ khác do cơ quan, tổ chức chủ quản giao.

- Thư viện lực lượng vũ trang nhân dân (Điều 13)

 Thư viện lực lượng vũ trang nhân dân là thư viện của các đơn vị Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, có tài nguyên thông tin tổng hợp, chuyên ngành quốc phòng, an ninh phục vụ cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên địa bàn, người đang chấp hành hình phạt tù, học tập, cải tạo trong cơ sở giam giữ, trường giáo dưỡng.

Thư viện lực lượng vũ trang nhân dân có chức năng, nhiệm vụ cụ thể sau đây: (i) Phát triển tài nguyên thông tin phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ được giao; tiếp nhận, bổ sung và tổ chức khai thác tài nguyên thông tin chuyên ngành quốc phòng, an ninh trong nước và nước ngoài; tài liệu hội nghị, hội thảo, báo cáo nghiên cứu, khảo sát và đề án, dự án, tạp chí chuyên ngành của lực lượng vũ trang nhân dân theo quy định; (ii) Xây dựng cơ sở dữ liệu, thư viện số chuyên ngành nội sinh; bổ sung và mua quyền truy cập tài nguyên thông tin chuyên ngành quốc phòng, an ninh; (iii) Thực hiện liên thông giữa các thư viện trong cùng hệ thống, chia sẻ tài nguyên thông tin với thư viện trong nước và nước ngoài; (iv) Thực hiện nhiệm vụ khác do cơ quan chủ quản giao.

-  Thư viện đại học (Điều 14)

Thư viện đại học là thư viện có tài nguyên thông tin phục vụ người học và người dạy trong cơ sở giáo dục đại học. Thư viện đại học có chức năng, nhiệm vụ cụ thể sau đây: (i) Phát triển tài nguyên thông tin phù hợp với mục tiêu, nội dung, chương trình, lĩnh vực, ngành đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của cơ sở giáo dục đại học; (ii) Tiếp nhận, bổ sung và tổ chức khai thác khóa luận, đề án, luận văn, luận án, kết quả nghiên cứu khoa học của người học và người dạy trong cơ sở giáo dục đại học; xây dụng tài liệu nội sinh, cơ sở dữ liệu học liệu, tài nguyên học liệu mở; (iii) Tổ chức không gian đọc; hướng dẫn sử dụng sản phẩm thư viện và dịch vụ thư viện; hoàn thiện kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin; củng cố, mở rộng kiến thức cho người học, người dạy và cán bộ quản lý; (iv) Thực hiện liên thông với thư viện trong nước và nước ngoài; (v) Thực hiện nhiệm vụ khác do cơ sở giáo dục đại học giao.

- Thư viện cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác (Điều 15)

Thư viện cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác là thư viện có tài nguyên thông tin phục vụ người học và người dạy trong cơ sở giáo dục.

+ Thư viện cơ sở giáo dục mầm non có chức năng, nhiệm vụ cụ thể sau đây:Phát triển tài nguyên thông tin phù hợp với độ tuổi, tâm lý của trẻ em mầm non; nhu cầu thông tin, tài liệu của người dạy, cán bộ quản lý và chương trình giáo dục của cơ sở giáo dục; tổ chức hoạt động làm quen với sách và hình thành thói quen đọc của trẻ em mầm non; hướng dẫn sử dụng thư viện, trang bị kỹ năng tìm kiếm, khai thác, sử dụng thông tin cho người dạy và cán bộ quản lý;thực hiện nhiệm vụ khác do cơ sở giáo dục giao.

+ Thư viện cơ sở giáo dục phổ thông có chức năng, nhiệm vụ cụ thể sau đây:Phát triển tài nguyên thông tin phù hợp với nhu cầu học tập, nghiên cứu của người học, người dạy, cán bộ quản lý và mục tiêu, nội dung, chương trình học tập, giảng dạy của từng cấp học, chương trình học; tổ chức hoạt động khuyến đọc, hình thành thói quen, kỹ năng đọc của người học; hướng dẫn sử đụng thư viện, trang bị kỹ năng tìm kiếm, khai thác, sử dụng thông tin cho người học, người dạy và cán bộ quản lý; hỗ trợ việc học tập, giảng dạy, nghiên cứu và tổ chức các hoạt động giáo dục khác; thực hiện nhiệm vụ khác do cơ sở giáo dục giao.

+ Thư viện cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác có chức năng, nhiệm vụ cụ thể sau: Phát triển tài nguyên thông tin phù hợp với nhu cầu học tập, nghiên cứu của người học, người dạy, cán bộ quản lý và mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục; tổ chức hoạt động khuyến đọc; hướng dẫn sử dụng thư viện, trang bị kỹ năng tìm kiếm, khai thác, sử dụng thông tin cho người học, người dạy và cán bộ quản lý; thực hiện nhiệm vụ khác do cơ sở giáo dục giao.

-  Thư viện cộng đồng và thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng (Điều 16)

+ Thư viện cộng đồng là thư viện, có tài nguyên thông tin tổng hợp do cộng đồng dân cư thành lập tại trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm văn hóa, thể thao xã, phường, thị trấn; điểm bưu điện văn hóa xã; nhà văn hóa thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc; khu chung cư; nơi sinh hoạt chung của cộng đồng.

+ Thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng là thư viện có tài nguyên thông tin tổng hợp hoặc chuyên ngành do tổ chức, cá nhân Việt Nam thành lập, tự bảo đảm kinh phí hoạt động.

+ Thư viện cộng đồng và thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng có chức năng, nhiệm vụ cụ thể sau đây: Cung cấp tài nguyên thông tin cho Nhân dân trên địa bàn; tiếp nhận tài nguyên thông tin luân chuyển từ thư viện công cộng các cấp để phục vụ Nhân dân; tổ chức hoạt động thư viện theo nội dung đã thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền; xây dựng và tham gia phát triển văn hóa đọc cho Nhân dân trên địa bàn.

-  Thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam (Điều 17)

Thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam là thư viện có tài nguyên thông tin tổng hợp, chuyên ngành do tổ chức, cá nhân nước ngoài thành lập tại Việt Nam; tự bảo đảm kinh phí hoạt động; hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liền quan.

Thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam tổ chức hoạt động thư viện theo nội dung đã thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tham gia phát triển văn hóa đọc.

b) Thành lập, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể thư viện (Mục 2)

Trên cơ sở xác định các loại thư viện, Luật đã quy định về thành lập, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể thư viện. Theo đó, Luật quy định cụ thể 04 điều kiện thành lập thư việnvề mục tiêu, đối tượng phục vụ, tài nguyên thông tin phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm phục vụ hoạt động thư viện; người làm công tác thư viện có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với hoạt động thư viện và giao Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện thành lập thư viện.

Cũng tại Mục này, Luật đã quy định về việc thành lập thư viện công lập (Điều 19); thành lập thư viện ngoài công lập (Điều 20); sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể thư viện (Điều 21). Đây là những chế định góp phần kiện toàn, củng cố mạng lưới thư viện công lập, khuyến khích thành lập thư viện ngoài công lập, đồng thời cụ thể hóa quyền về tổ chức cá nhân trong việc tham gia thành lập thư viện, phục vụ học tập suốt đời và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Đồng thời, Luật đã thiết lập cơ chế bảo vệ tài nguyên thông tin,  một trong những tài sản quan trọng của quốc gia trong trường hợp thư viện thực hiện việc sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể thư viện. Chế định này có ý nghĩa quan trọng bảo đảm tính kế thừa trong hoạt động thư viện cũng như bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin, tri thức của người dân trong trường hợp thư viện có những biến động.

Một điểm mới của Luật Thư viện so với Pháp lệnh Thư viện đó là việc quy định chế tài trong trường hợp thư viện thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về thư viện và các quy định của pháp luật khác có liên quan thông qua chế định về đình chỉ, chấm dứt hoạt động thư viện (Điều 22). Nội dung về trình tự, thủ tục đình chỉ, chấm dứt hoạt động thư viện được giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

Nhằm tiến tới đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động thư viện, khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, Luật đã sử dụng thông báo việc thành lập, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, chấm dứt hoạt động thư viện thay cho việc đăng ký hoạt động thư viện được quy định tại Điều 23 của Luật. Theo đó, tổ chức cá nhân có thẩm quyền, thành lập, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, chấm dứt hoạt động thư viện phải thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải có văn bản trả lời của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi hoạt động.

2.3. Chương III. Hoạt động thư viện (từ Điều 24 đến Điều 37)

a) Nguyên tắc hoạt động thư viện

Luật đã xây dựng các nguyên tắc hoạt động thư viện (Điều 24) với những nội dung cơ bản có liên quan đến việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, tạo lập môi trường bình đẳng, lấy người sử dụng làm trung tâm; việc triển khai các hoạt động thư viện trên tinh thần tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và chuẩn nghiệp vụ liên quan trong lĩnh vực thư viện; đổi mới sáng tạo về quy trình, sản phẩm thông tin, dịch vụ thư viện trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến; liên thông thư viện; tuân thủ quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, khoa học và công nghệ, công nghệ nghệ thông tin, an ninh mạng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Trên cơ sở quy định các nguyên tắc hoạt động thư viện Luật đã quy định cụ thể các hoạt động thư viện nhằm chuẩn hóa và hiện đại hóa quy trình hoạt động thư viện với các hoạt động cơ bản mà các thư viện phải triển khai như:

b) Xây dựng tài nguyên thông tin (Điều 25)

Luật quy định về phát triển và thanh lọc tài nguyên thông tin, Luật cũng xác định các phương thức phát triển tài nguyên thông tin bao gồm: bổ sung, mua tài nguyên thông tin và quyền truy cập cơ ở dữ liệu, tài nguyên thông tin số, thu thập tài nguyên thông tin mở, tài nguyên thông tin thuộc về công chúng, tài nguyên thông tin có giá trị; liên thông trao đổi tài nguyên thông tin; chuyển dạng số hóa tài nguyên thông tin; tiếp nhận tài nguyên thông tin do tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài chuyển giao, tài trợ, viện trợ, tặng, cho, đóng góp. Việc thanh lọc tài nguyên thông tin được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

c) Xử lý tài nguyên thông tin và tổ chức hệ thống tra cứu thông tin (Điều 26) với các quy định về xử lý tài nguyên thông tin theo tinh thần tài nguyên thông tin sau khi bổ sung vào thư viện phải được xử lý theo quy trình nghiệp vụ, thực hiện biên mục sao chép, áp dụng kết quả xử lý tài nguyên thông tin của các thư viện có vai trò quan trọng để bảo đảm chính xác, thống nhất và tiết kiệm. Việc tổ chức hệ thống tra cứu thông tin phải bảo đảm lưu trữ an toàn kết quả xử lý tài nguyên thông tin, bảo đảm cập nhật, dễ sử dụng.

d) Bảo quản tài nguyên thông tin (Điều 27) được thực hiện đối với toàn bộ tài nguyên thông tin trong quá trình lưu giữ và phục vụ, bảo đảm an toàn thông tin phục vụ cho việc quản lý, tra cứu và sử dụng; thực hiện các hình thức bảo quản dự phòng, phục chế hoặc chuyển dạng tài liệu; tài nguyên thông tin số phải được sao lưu định kỳ và phải có cơ chế khôi phục dữ liệu khi cần thiết; bảo đảm tính tương thích về mặt công nghệ; tài nguyên thông tin là di sản văn hóa, tài nguyên thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước phải được bảo quản theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa, lưu trữ, bảo vệ bí mật nhà nước. Các nội dung này sẽ được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định cụ thể.

e) Tạo lập, cung cấp sản phẩm thông tin thư viện và dịch vụ thư viện (Điều 28) với các quy định bảo đảm cho việc tạo lập, cung cấp sản phẩm thông tin thư viện và dịch vụ thưu viện khoa học, hiện đại, hiệu quả, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của thư viện và nhu cầu của người sử dụng, bảo đảm sự đa dạng về hình thức, phương thức cung cấp sản phẩm thông tin thư viện và dịch vụ thư viện. Tại Điều này, Luật đã xác định các loại hình sản phẩm thông tin thư viện và dịch vụ thư viện cần được triển khai tại thư viện để đáp ứng nhu cầu của người sử dụng và xã hội.

f) Liên thông thư viện (Điều 29) là một trong những quy định mới, có tính cách mạng trong hoạt động thư viện, tạo điều kiện để các thư viện liên thông, liên kết đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Luật đã quy định các nội dung liên thông thư viện, phương thức liên thông và cơ chế liên thông, theo đó, Thư viện được Nhà nước ưu tiên đầu tư làm nòng cốt trong xây dựng, chia sẻ và khai thác tài nguyên thông tin dùng chung giữa các thư viện, hợp tác trong việc bổ sung, mua quyền truy cập và chia sẻ tài nguyên thông tin nước ngoài, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí của Nhà nước và xã hội; tài nguyên thông tin được xây dựng từ ngân sách nhà nước phải được liên thông, chia sẻ giữa các thư viện, các nội dung này sẽ được Chính phủ quy định chi tiết.

g) Các nội dung khác

Ngoài các nội dung có tính chất chuyên môn, nghiệp vụ, Luật đã bổ sung một số hoạt động phù hợp với xu thế phát triển thư viện hiện đại, tạo điều kiện để các thư viện có thể mở rộng hoạt động, tận dụng các nguồn lực sẵn có, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường liên thông, liên kết để phát triển, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng như:

- Phát triển văn hóa đọc (Điều 30) với việc lấy ngày 21 tháng 4 hàng năm là ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam đồng thời quy định nội dung về phát triển văn hóa đọc góp phần hình thành thói quen, phương pháp, kỹ năng đọc, tìm kiếm khai thác và sử dụng thông tin, mở rộng tri thức cho người sử dụng thư viện.

- Phát triển thư viện số (Điều 31) với các quy định về xây dựng tài nguyên thông tin số, thực hiện lưu rữ, bảo quản, tài nguyên thông tin số trên cơ sở tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ thông tin, chuyên môn, nghiệp vụ thư viện, sử dụng các phần mềm tiên tiến trong quản trị thư viện số, cung cấp quyền truy cập tài nguyên thông tin số...

- Hiện đại hóa thư viện (Điều 32) được xây dựng trên tinh thần phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại, bảo đảm triển khai vận hành thư viện, nghiên cứ ứng dụng các thành tựu của khoa học và công nghệ trong hoạt động thư viện phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.

- Truyền thông thư viện (Điều 33) với các quy định về nội dung truyền thông của thư viện bao gồm: tài nguyên thông tin, sản phẩm thông tin thư viện và dịch vụ thư viện, tiện ích thư viện, nhân lực thư viện và các nội dung khác liên quan đến thư viện phù hợp với quy định của pháp luật. Tại điều này, Luật đã quy định về các hình thức truyền thông của thư viện nhằm bảo đảm cho thư viện có thể đa dạng hóa các hình thức truyền thông giúp cho người sử dụng có thể biết đến thư viện, tiếp cận và sử dụng thư viện.

- Phối hợp giữa thư viện với cơ quan tổ chức (Điều 34): Luật đã quy định các hoạt động mà thư viện phối hợp với các cơ quan tổ chức, trong đó nhấn mạnh sự phối hợp với các cơ quan, tổ chức về thông tin khoa học và công nghệ, lưu trữ nhằm bảo đảm việc sử dụng và bảo quản hiệu quả tài nguyên thông tin, ngân hàng dữ liệu của nhà nước, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chứ khác theo chương trình hợp tác, hợp đồng và quy định của pháp luật. Ngoài ra, thư viện phối hợp với cơ quan tổ chức, về văn hóa, du lịch và cơ quan tổ chức khác nhằm đa dạng hình thức và dịch vụ thư viện. Tất cả các quy định này tạo điều kiện để thư viện có thể tận dụng các nguồn lực nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người sử dụng.

- Hợp tác quốc tế về thư viện (Điều 36): Đây là nội dung mới so với Pháp lệnh thư viện. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, đây là một trong những quy định hết sức quan trọng thúc đẩy việc liên thông, liên kết, giao lưu chia sẻ giữa các thư viện trong nước và quốc tế, từ đó tạo ra các nguồn lực để các thư viện trong nước phát triển. Tại Điều này, Luật đã quy định các hình thức hợp tác quốc tế thông qua việc xây dựng và triển khai chương trình, đề án, dự án hợp tác quốc tế; tham gia các tổ chức, hội diễn đàn nghề nghiệp, liên thông với thư viện trong nước và nước ngoài, tham gia xây dựng thực hiện tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật và thông lệ quốc tế về thư viện, nghiên cứu khoa học, trao đổi tài nguyên thông tin, kinh nghiệm đào tạo bồi dưỡng, nguồn nhân lực, ứng dụng chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia, hỗ trợ hoạt động thư viện.

- Đánh giá hoạt động thư viện (Điều 37): Đây là nội dung mới so với Pháp lệnh Thư viện và có ý nghĩa quan trọng đối với cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan quản lý thư viện và các thư viện trong việc nhận diện, đánh giá hiệu quả hoạt động của thư viện, từ đó có các giải pháp nhằm tăng cường hoạt động thư viện đáp ứng yêu cầu của người sử dụng. Theo quy định của Luật, việc đánh giá hoạt động thư viện được thực hiện đối với các loại thư viện nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về thư viện và nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện, việc đánh giá được dựa trên các nguyên tắc: khách quan, chính xác, đúng quy định của pháp luật; trung thực, công khai, minh bạch, bình đẳng; theo định kỳ hàng năm. Tổ chức đánh giá bao gồm: thư viện tự đánh giá, cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập thư viện đánh giá, cơ quan quản lý nhà nước về thư viện đánh giá. Nội dung cụ thể của Điều này được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết.

- Để bảo đảm cho hoạt động của thư viện được triển khai một cách hiệu quả, Luật đã quy định 01 điều liên quan đến nguồn tài chính của thư viện (Điều 35). Theo đó, tài chính của thư viện được xác định từ nguồn ngân sách nhà nước (đối với thư viện công lập), nguồn thu từ dịch vụ thư viện, nguồn tài trợ, viện trợ, tặng cho, đóng góp từ tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật và các nguồn thu hợp pháp khác. Quy định này có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm tháo gỡ các khó khăn về mặt tài chính cho các thư viện trong tương lai.

Có thể nói, các quy định về hoạt động thư viện được nêu tại Chương 3 sẽ tạo ra sự thống nhất, chuẩn hoá trong hoạt động thư viện, tạo hành lang pháp lý để các thư viện đổi mới hoạt động, đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin, hưởng thụ các giá trị văn hoá và học tập suốt đời của người dân.

2.4. Chương IV. Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện (từ Điều 38 đến Điều 47)

a) Bảo đảm các quyền cơ bản được Hiến pháp quy định đối với tổ chức, cá nhân sử dụng thư viện

Luật Thư viện đã cụ thể hóa quyền tiếp cận thông tin, quyền hưởng thụ, tiếp cận giá trị văn hóa và sử dụng các cơ sở văn hóa của công dân đã được Hiến định thông qua các quy định tại các Điều 42, 43 và 44 của Luật Thư viện. Theo đó, người sử dụng thư viện (bao gồm cả tổ chức và cá nhân) có các quyền: (i) Được sử dụng thư viện, tiếp cận, sử dụng tài nguyên thông tin và tiện ích thư viện phù hợp với nội quy thư viện, pháp luật về sở hữu trí tuệ, bảo vệ bí mật nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan; (ii) Được miễn phí tại thư viện công lập đối với các hoạt động sau: Sử dụng tài nguyên thông tin tại thư viện, mượn theo thời hạn quy định trong nội quy thư viện; Tra cứu thông tin trên không gian mạng; tiếp nhận thông tin về tài nguyên thông tin thông qua hệ thống tra cứu hoặc hình thức tiếp nhận thông tin, tra cứu khác; Được giúp đỡ, tư vấn về tìm kiếm, lựa chọn tài nguyên thông tin phù hợp với yêu cầu; Hoạt động khác theo quy định; (iii) Được sử dụng dịch vụ thư viện theo danh mục dịch vụ do thư viện cung cấp; (iv) Được hướng dẫn sử dụng thư viện, hỗ trợ, trang bị kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin; (v) Được tham gia các hoạt động dành cho người sử dụng thư viện do thư viện tổ chức; (vi) Được lựa chọn thư viện phù hợp với nhu cầu và quy chế, nội quy thư viện; (vii) Được khiếu nại, tố cáo về hành vi hạn chế quyền sử dụng thư viện.

Để bảo đảm các quyền này được thực thi một cách hiệu quả, khoản 1 Điều 24 đã quy định lấy người sử dụng thư viện làm trung tâm; tạo lập môi trường thân thiện, bình đẳng; bảo đảm quyền tiếp cận và sử dụng thư viện của tổ chức, cá nhân là nguyên tắc số một trong hoạt động thư viện.

Đối với các đối tượng đặc thù trong sử dụng thư viện, Luật cũng có các quy định nhằm bảo đảm sự tiếp cận thư viện một cách bình đẳng so với các đối tượng khác được quy định tại Điều 44 của Luật, theo đó: (i) Người dân tộc thiểu số được tạo điều kiện sử dụng tài nguyên thông tin bằng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình phù hợp với điều kiện của thư viện; (ii) Người sử dụng thư viện là người cao tuổi hoặc người khuyết tật mà không thể tới thư viện được tạo điều kiện sử dụng tài nguyên thông tin tại nhà thông qua dịch vụ thư viện lưu động hoặc gửi qua bưu chính, không gian mạng khi có yêu cầu phù hợp với hoạt động của thư viện; (iii) Người khiếm thị, người khiếm thính có quyền sử dụng tài nguyên thông tin theo quy định và được tạo điều kiện sử dụng tài liệu in chữ nổi Braille, tài liệu nghe, nhìn, tài liệu ngôn ngữ ký hiệu hoặc tài liệu đặc biệt khác; (iv) Trẻ em được tạo điều kiện sử dụng tài nguyên thông tin phù hợp với lứa tuổi, cấp học tại thư viện cơ sở giáo dục và thư viện công cộng; (v) Trẻ em, người cao tuổi, thương binh, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được miễn các khoản chi phí làm thẻ thư viện; (vi) Người đang chấp hành hình phạt tù, học tập, cải tạo tại trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc được tạo điều kiện sử dụng tài nguyên thông tin của thư viện tại nơi giam giữ, học tập và chữa bệnh.

Tương ứng với các quyền của người sử dụng thư viện, Luật cũng quy định các nghĩa vụ của người sử dụng thư viện với các nội dung như: chấp hành quy định của pháp luật và nội quy thư viện; thanh toán đầy đủ chi phí làm thẻ và sử dụng dịch vụ thư viện theo quy định; bảo quản tài nguyên thông tin và các tài sản khác của thư viện; bồi thường thiệt hại theo quy định.

b) Mở rộng quyền của thư viện nhằm tăng cường tính chủ động, bảo đảm điều kiện cho thư viện nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động

Đây là một chế định quan trọng, tạo hành lang pháp lý để các thư viện chủ động tiến hành đổi mới hoạt động thư viện, phục vụ người sử dụng. Tại Điều 38 của Luật đã xác định, thư viện có các quyền cơ bản liên quan đến việc xác định nội dung, hình thức hoạt động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; trao đổi tài nguyên thông tin; tham gia vào hệ thống thông tin; từ chối yêu cầu sử dụng tài nguyên thông tin nếu như yêu cầu đó trái với quy định của pháp luật, quy chế, nội quy của thư viện; thu phí, giá từ cung cấp dịch vụ; nghiên cứu ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến; vận động tiếp nhận tài trợ, đóng góp cho thư viện; mở rộng đối tượng người sử dụng thư viện phù hợp với quy định của pháp luật và quy chế thư viện; hợp tác quốc tế về thư viện; xác định hình thức và giá trị bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật và nội quy thư viện.

Ngoài ra, một số thư viện như Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện chuyên ngành của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và thư viện cấp tỉnh được lưu giữ tài nguyên thông tin quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 của Luật để phục vụ hoạt động nghiên cứu.

Tương ứng với đó, Luật cũng quy định trách nhiệm của thư viện nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, hưởng thụ các giá trị văn hóa, học tập suốt đời cho người dân, cũng như bảo đảm duy trì hoạt động thư viện một cách hiệu quả.

c) Bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người làm công tác thư viện, tạo điều kiện để thu hút nguồn nhân lực thư viện

Đây là một trong những nội dung được người làm công tác thư viện hết sức quan tâm và có tác động lớn đến quá trình chuẩn hóa đội ngũ người làm công tác thư viện, phát triển nguồn nhân lực thư viện bảo đảm đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.  Điều 40 của Luật đã quy định người làm công tác thư viện được quyền học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức quản lý thư viện và kỹ năng sử dụng trang thiết bị, phương tiện, kỹ thuật hiện đại ứng dụng trong hoạt động thư viện; được tham gia nghiên cứu khoa học, sinh hoạt chuyên môn, nghiệp vụ, tham gia tổ chức xã hội-nghề nghiệp về thư viện; được hưởng lương, chế độ chính sách ưu đãi về nghề nghiệp theo quy định của pháp luật;

Đi cùng với đó, Điều 41 của Luật đã quy định về nghĩa vụ của người làm công tác thư viện trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về thư viện, tạo điều kiện để người sử dụng tiếp cận thông tin tại thư viện, trang bị kỹ năng sử dụng thông tin cho người sử dụng, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và thực hiện quy tắc ứng xử nghề nghiệp thư viện.

 d) Đề cao và bổ sung trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thành lập, quản lý và có liên quan đến hoạt động thư viện nhằm bảo đảm các nguồn lực để thư viện hoạt động hiệu quả

Ngoài những quyền cơ bản về tiếp cận thông tin, hưởng thụ các giá trị văn hóa và sử dụng thư viện, Luật Thư viện đã cụ thể hóa việc tham gia vào đời sống văn hóa của công dân thông qua chế định về quyền thành lập, quản lý hoạt động thư viện của tổ chức cá nhân được quy định tại các Điều 45, 46 và 47 của Luật Thư viện. Các quy định này nhằm đề cao và bổ sung trách nhiệm của tổ chức cá nhân trong việc bảo đảm các nguồn lực để thư viện hoạt động hiệu quả cũng như tạo điều kiện để công dân trở thành chủ thể chính tham gia vào hoạt động thư viện theo quy định của pháp luật.

Điều 45, 46 của Luật cũng quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cá nhân thành lập thư viện và trực tiếp quản lý thư viện nhằm bảo đảm cơ chế vận hành và hoạt động hiệu quả của thư viện.

Điều 47 về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong đó đề cập trách nhiệm của các chủ thể là cơ quan, tổ chức xuất bản, báo chí, người Việt Nam bảo vệ luận án tiến sĩ ở nước ngoài; công dân nước ngoài bảo vệ luận án tiến sĩ tại Việt Nam, người dạy trong cơ sở giáo dục, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về thư viện trong việc hỗ trợ các nguồn lực bảo đảm cho sự phát triển của thư viện theo đó: Cơ quan, tổ chức xuất bản, cơ quan báo chí thực hiện việc nộp xuất bản phẩm, ấn phẩm báo chí cho thư viện theo quy định của pháp luật về xuất bản, báo chí; Người Việt Nam bảo vệ luận án tiến sĩ ở trong nước, nước ngoài; công dân nước ngoài bảo vệ luận án tiến sĩ tại Việt Nam nộp luận án cho Thư viện Quốc gia Việt Nam theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; Người dạy trong cơ sở giáo dục phối hợp với người làm công tác thư viện hướng dẫn người học sử dụng tài nguyên thông tin và tiện ích thư viện trong học tập, nghiên cứu.

2.5. Chương V. Trách nhiệm quản lý nhà nước về thư viện (từ Điều 48 đến Điều 50)

Đây là nội dung mới so với Pháp lệnh Thư viện, thông qua việc nâng cấp các quy định được nêu tại Nghị định số 72/2002/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh thư viện và có chỉnh sửa bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế của công tác quản lý nhà nước về thư viện.

Việc quy định quản lý nhà nước về thư viện tại Luật đã thiết lập hành lang pháp lý cho việc tăng cường quản lý nhà nước về thư viện với việc xác định trách nhiệm quản lý nhà nước về thư viện của Chính phủ trên tinh thần Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ trong phạm vi quản lý nhà nước, và có trách nhiệm trong việc ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, kế hoạch phát triển thư viện; tiêu chuẩn quôc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong hoạt động thư viện; ban hành quy tắc ứng xử nghề nghiệp thư viện; chỉ đạo thực hiện việc liên thông thư viện; chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ thư viện, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực thư viện, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động thư viện; thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về thư viện; xây dựng và hướng dẫn hoạt động phát triển văn hóa đọc; kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động thư viện theo thẩm quyền, hợp tác quốc tế về thư viện.

Luật xác định trách nhiệm trong quản lý nhà nước về thư viện của các Bộ, cơ quan ngang bộ (Điều 49). Theo đó, Bộ cơ quan ngang bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện quản lý nhà nước về thư viện. Cũng tại Điều này đã quy định trách nhiệm của các Bộ Quốc phòng, Công an, Giáo dục và Đào tạo, Lao động-Thương binh và xã hội, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và công nghệ trong việc thực hiện quản lý nhà nước về thư viện.

Đối với Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý nhà nước về thư viện (Điều 50), trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về thưu viện tại địa phương; tổ chức xây dựng, ban hành, thực hiện chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển văn hóa đọc tại địa phương. Cũng tại Điều này, Luật đã nhấn mạnh vai trò của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ, thu hút xây dựng và phát triển mạng lưới thư viện tại địa phương đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin, tri thức của nhân dân địa phương; đầu tư phát triển thư viện cấp tỉnh; kiện toàn củng cố thư viện công cộng; khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập, duy trì thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng tại địa phương; quy định việc thư viện cấp tỉnh được tiếp nhận xuất bản phẩm xuất bản tại địa phương phù hợp với quy định của pháp luật; chỉ đạo hiện đại hóa thư viện, xây dựng cơ chế phối hợp giữa thư viện với cơ quan, tổ chức để phát triển thư viện và văn hóa đọc trên địa bàn; chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý thư viện công cộng và mạng lưới thư viện trên địa bàn.

2.6.  Chương VI. Điều khoản thi hành (Điều 51 và Điều 52)

Luật Thư viện có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020. Pháp lệnh thư viện số 31/2000/PL-UBTVQH10 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Thư viện có hiệu lực thi hành.

Thư viện thành lập, đăng ký hoạt động trước ngày Luật Thư viện có hiệu lực thi hành được tiếp tục hoạt động mà không phải thực hiện thủ tục thông báo hoạt động theo quy định của Luật này.

III. ĐIỀU KIỆN VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG TRIỂN KHAI LUẬT THƯ VIỆN

1. Điều kiện đặt ra trong triển khai Luật Thư viện

Để Luật Thư viện được triển khai thực hiện hiệu quả, thiết thực đi vào cuộc sống và trở thành công cụ pháp lý vững chắc nhằm phát triển sự nghiệp thư viện và văn hóa đọc, cần bảo đảm các nguồn lực bao gồm: kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất, cụ thể:

a) Bảo đảm kinh phí để thực hiện Luật Thư viện

Các nội dung bảo đảm kinh phí để triển khai thực hiện Luật Thư viện bao gồm:

- Triển khai tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thư viện cho toàn bộ hệ thống thư viện thông qua tổ chức Hội nghị, hội thảo về Luật Thư viện; tổ chức đào tạo, tập huấn cho người làm công tác thư viện; phát hành tài liệu hướng dẫn thi hành Luật.

- Thực hiện các chính sách của Nhà nước về phát triển sự nghiệp thư viện được quy định tại Điều 5 của Luật Thư viện.

- Triển khai đầy đủ, có hiệu quả các hoạt động thư viện được quy định tại Chương 3 của Luật Thư viện theo hướng đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện.

- Hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy hoạt động liên thông thư viện trong cả nước.

b) Bảo đảm nguồn nhân lực để thực hiện Luật Thư viện

Phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm về số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu trong triển khai Luật Thư viện trong đó:

- Phát triển nguồn nhân lực trong các thư viện có vị trí quan trọng, được nhà nước ưu tiên đầu tư, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ về công nghệ thông tin nhằm phát triển các sản phẩm và dịch vụ thông tin thư viện theo hướng hiện đại;

- Phát triển nguồn nhân lực đối với hệ thống thư viện trường phổ thông, thư viện cấp huyện theo hướng hiện đại, đáp ứng cả về số lượng và chất lượng  nhằm kiện toàn, củng cố hoạt động của thư viện cấp huyện, thư viện trường học, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân.

- Bảo đảm để nguồn nhân lực thư viện thực hiện các quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 40 và Điều 41 của Luật Thư viện; xây dựng các cơ chế để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao hoạt động trong lĩnh vực thư viện.

c) Bảo đảm cơ sở vật chất cho thực thi Luật Thư viện

Hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật của thư viện theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin và các thành tựu của khoa học và công nghệ hiện đại để thư viện thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của thư viện được quy định tại Luật, bảo đảm về điều kiện cơ sở vật chất cho thành lập và duy trì hoạt động của các thư viện cấp huyện, thư viện cấp cơ sở, thư viện trường học, đáp ứng các quy định về điều kiện thành lập thư viện được quy định tại Luật.

2. Một số vấn đề đặt ra trong triển khai Luật Thư viện

a) Đối với các Bộ, ngành có liên quan

Tổ chức triển khai Luật Thư viện đến tổ chức, cá nhân và các đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật Thư viện trong phạm vi quản lý.

Căn cứ trách nhiệm quản lý nhà nước về thư viện được quy định trong Luật, Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện quản lý nhà nước đối với các thư viện trong phạm vi quản lý, đầu tư các nguồn lực để các thư viện thực hiện chức năng, nhiệm vụ, đổi mới hoạt động, hiện đại hóa và tăng cường liên thông, liên kết theo các quy định của Luật.

b) Đối với Ủy ban nhân dân các cấp

Tổ chức triển khai Luật Thư viện đến tổ chức, cá nhân và các đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật trên địa bàn quản lý.

Căn cứ trách nhiệm quản lý nhà nước về thư viện được quy định trong Luật, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước đối với các thư viện tại địa phương, tổ chức xây dựng, ban hành, thực hiện chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển thư viện, văn hóa đọc. Đầu tư nguồn lực để hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, đổi mới hoạt động; tăng cường liên thông, liên kết, đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng theo quy định của Luật.

Thực hiện chính sách xã hội hóa, khuyến khích hoạt động của thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, thư viện cộng đồng và các phòng đọc sách, tủ sách cơ sở trên địa bàn theo tinh thần của Luật.

c) Đối với các thư viện trong cả nước

Căn cứ theo các quy định của Luật Thư viện, các thư viện trong cả nước có trách nhiệm:

- Xây dựng kế hoạch phát triển, đổi mới hoạt động thư viện, hiện đại hóa thư viện theo lộ trình hàng năm, trung hạn hoặc dài hạn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt.

- Xây dựng quy chế hoạt động của thư viện, nội quy của thư viện phù hợp với quy mô, loại hình thư viện và chức năng, nhiệm vụ do Luật định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Thực hiện việc liên thông, liên kết phối hợp giữa các thư viện, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa thư viện và các hoạt động phát triển văn hóa đọc theo tinh thần của Luật để đáp ứng nhu cầu đọc và học tập suốt đời của người dân.

d) Đối với tổ chức nghề nghiệp thư viện

Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ, ban, ngành có liên quan trong tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thư viện.

Thực hiện trách nhiệm của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về thư viện được nêu tại khoản 4 Điều 47 Luật Thư viện

đ) Đối với các cơ sở giáo dục nghề thư viện

Đưa các nội dung của Luật Thư viện và các văn bản có liên quan vào chương trình đào tạo nghề thư viện; tổ chức giảng dạy, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thư viện và tuân thủ các quy định của pháp luật về thư viện.

IV. DỰ BÁO TÁC ĐỘNG CỦA LUẬT ĐẾN NGƯỜI DÂN VÀ XÃ HỘI

Xây dựng Dự án Luật Thư viện là một trong những nhiệm vụ trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu ầu phát triển bền vững đất nước (ban hành theo Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ). Việc ban hành Luật Thư viện có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống xã hội và tác động đền đời sống xã hội ở các khía cạnh sau đây: 

Thứ nhất, đối với người dân, Luật Thư viện tiếp tục cụ thể hóa quy định về quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản công dân được quy định trong Hiến pháp 2013 trong tiếp cận, hưởng thụ các giá trị văn hóa, trong đó có thư viện. Các quy định trong Luật sẽ tác động đến việc tiếp cận thông tin, tri thức của người dân, phục vụ học tập suốt đời và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Với các quy định của Luật, người dân trở thành chủ thể chính, có vai trò trung tâm trong hoạt động thư viện, được quyền tham gia thành lập, quản lý thư viện (đối với thư viện ngoài công lập) và sử dụng thư viện. 

Thứ hai, đối với các thư viện, Luật Thư viện khẳng định vai trò của thư viện trong phát triển văn hóa, con người, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam. Các quy định của Luật sẽ tạo hành lang pháp lý cho việc kiện toàn, củng cố thư viện công lập, khuyến khích phát triển thư viện ngoài công lập; tăng cường thu hút các nguồn lực cho hoạt động thư viện; chuẩn hóa hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ thư viện, đa dạng hóa các dịch vụ thư viện và hình thức phục vụ, phát triển thư viện số và thúc đẩy liên thông thư viện. Các quy định này sẽ tạo hành lang pháp lý để thư viện trở thành trung tâm thông tin, trung tâm văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng góp phần thúc đẩy việc học tập suốt đời và phát triển văn hóa đọc của người dân.

Thứ ba, đối với hoạt động quản lý nhà nước, Luật Thư viện tạo cơ sở pháp lý quan trọng, kịp thời điều chỉnh các mối quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động thư viện, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện, thủ tục thành lập thư viện, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động thư viện phát triển.

Có thể nói, việc ban hành Luật Thư viện có tác động rất lớn đến đời sống xã hội, trong đó nổi bật nhất đó là văn hóa đọc của người dân, góp phần quan trọng trong chấn hưng văn hóa đọc tại Việt Nam đồng thời cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu đổi mới đất nước./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập37
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm32
  • Hôm nay6,374
  • Tháng hiện tại115,769
  • Tổng lượt truy cập4,963,396
hoc tap va lam theo
cong khai minh bach
gop y du thao
hop thu dien tu
cong bao tay ninh
Hỏi đáp trực tuyến
Thi hành pháp luật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây