HỎI – ĐÁP LUẬT NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Thứ tư - 20/05/2020 10:42 596 0

HỎI – ĐÁP LUẬT NGƯỜI KHUYẾT TẬT

1. Hỏi: Thế nào là người khuyết tật?

Đáp: Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.

2. Hỏi: Tật gồm những dạng gì?

Đáp: Dạng tật bao gồm: Khuyết tật vận động; khuyết tật nghe, nói; khuyết tật nhìn; khuyết tật thần kinh, tâm thần; khuyết tật trí tuệ; khuyết tật khác.

3. Hỏi: Người khuyết tật được chia theo mức độ khuyết tật nào?

Đáp: Người khuyết tật được chia theo mức độ khuyết tật sau đây:

- Người khuyết tật đặc biệt nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày;

- Người khuyết tật nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện một số việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày;

- Người khuyết tật nhẹ là người khuyết tật không thuộc các trường hợp trên.

4. Hỏi: Người khuyết tật có quyền và nghĩa vụ gì?

Đáp: Người khuyết tật được bảo đảm thực hiện các quyền sau đây:

- Tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội;

- Sống độc lập, hòa nhập cộng đồng;

- Được miễn hoặc giảm một số khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội;

- Được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm, trợ giúp pháp lý, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật;

- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Người khuyết tật thực hiện các nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật.

5. Hỏi: Nhà nước có chính sách gì về người khuyết tật?

Đáp: Nhà nước  có các chính sách về người khuyết tật như sau:

- Hàng năm, Nhà nước bố trí ngân sách để thực hiện chính sách về người khuyết tật.

- Phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật bẩm sinh, khuyết tật do tai nạn thương tích, bệnh tật và nguy cơ khác dẫn đến khuyết tật.

- Bảo trợ xã hội; trợ giúp người khuyết tật trong chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề, việc làm, văn hóa, thể thao, giải trí, tiếp cận công trình công cộng và công nghệ thông tin, tham gia giao thông; ưu tiên thực hiện chính sách bảo trợ xã hội và hỗ trợ người khuyết tật là trẻ em, người cao tuổi.

- Lồng ghép chính sách về người khuyết tật trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

- Tạo điều kiện để người khuyết tật được chỉnh hình, phục hồi chức năng; khắc phục khó khăn, sống độc lập và hòa nhập cộng đồng.

- Đào tạo, bồi dưỡng người làm công tác tư vấn, chăm sóc người khuyết tật.

- Khuyến khích hoạt động trợ giúp người khuyết tật.

- Tạo điều kiện để tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật hoạt động.

- Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích, đóng góp trong việc trợ giúp người khuyết tật.

- Xử lý nghiêm minh cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

6. Hỏi: Cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm gì đối với người khuyết tật?

Đáp: Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm vận động xã hội trợ giúp người khuyết tật tiếp cận dịch vụ xã hội, sống hòa nhập cộng đồng; tham gia xây dựng, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật và chương trình, đề án trợ giúp người khuyết tật.

Mọi cá nhân có trách nhiệm tôn trọng, trợ giúp và giúp đỡ người khuyết tật.

7. Hỏi: Gia đình có trách nhiệm gì đối với người khuyết tật?

Đáp: Gia đình có trách nhiệm giáo dục, tạo điều kiện để thành viên gia đình nâng cao nhận thức về vấn đề khuyết tật; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật bẩm sinh, khuyết tật do tai nạn thương tích, bệnh tật và nguy cơ khác dẫn đến khuyết tật.

Gia đình người khuyết tật còn có trách nhiệm sau đây:

- Bảo vệ, nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật;

- Tạo điều kiện để người khuyết tật được chăm sóc sức khỏe và thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình;

- Tôn trọng ý kiến của người khuyết tật trong việc quyết định những vấn đề liên quan đến cuộc sống của bản thân người khuyết tật và gia đình;

8. Hỏi: Ngày người khuyết tật Việt Nam là ngày nào?

Đáp: Ngày 18 tháng 4 hàng năm là Ngày người khuyết tật Việt Nam.

9. Hỏi: Những hành vi nào bị nghiêm cấm?

Đáp: Những hành vi sau đây bị nghiêm cấm:

- Kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật.

- Xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật.

- Lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc người khuyết tật thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội.

- Lợi dụng người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật, hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

- Người có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc theo quy định của pháp luật.

- Cản trở quyền kết hôn, quyền nuôi con của người khuyết tật.

- Gian dối trong việc xác định mức độ khuyết tật, cấp giấy xác nhận khuyết tật.

10. Hỏi: Trạm y tế cấp xã có trách nhiệm gì trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nơi cư trú cho người khuyết tật?

Đáp: Trạm y tế cấp xã có trách nhiệm sau đây:

- Triển khai các hình thức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức phổ thông về chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật; hướng dẫn người khuyết tật phương pháp phòng bệnh, tự chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng;

- Lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe người khuyết tật;

- Khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với phạm vi chuyên môn cho người khuyết tật.

11. Hỏi: Việc khám bệnh, chữa bệnh cho người khuyết tật như thế nào?

Đáp: Nhà nước bảo đảm để người khuyết tật được khám bệnh, chữa bệnh và sử dụng các dịch vụ y tế phù hợp.

Người khuyết tật được hưởng chính sách bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

Gia đình người khuyết tật có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật được khám bệnh, chữa bệnh.

Người khuyết tật là người mắc bệnh tâm thần ở trạng thái kích động, trầm cảm, có ý tưởng, hành vi tự sát hoặc gây nguy hiểm cho người khác được hỗ trợ sinh hoạt phí, chi phí đi lại và chi phí điều trị trong thời gian điều trị bắt buộc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Khuyến khích tổ chức, cá nhân hỗ trợ thực hiện khám bệnh, chữa bệnh cho người khuyết tật.

12. Hỏi: Việc giáo dục đối với người khuyết tật như thế nào?

Đáp: Nhà nước tạo điều kiện để người khuyết tật được học tập phù hợp với nhu cầu và khả năng của người khuyết tật.

Người khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với độ tuổi quy định đối với giáo dục phổ thông; được ưu tiên trong tuyển sinh; được miễn, giảm một số môn học hoặc nội dung và hoạt động giáo dục mà khả năng của cá nhân không thể đáp ứng; được miễn, giảm học phí, chi phí đào tạo, các khoản đóng góp khác; được xét cấp học bổng, hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập.

Người khuyết tật được cung cấp phương tiện, tài liệu hỗ trợ học tập dành riêng trong trường hợp cần thiết; người khuyết tật nghe, nói được học bằng ngôn ngữ ký hiệu; người khuyết tật nhìn được học bằng chữ nổi Braille theo chuẩn quốc gia.

13. Hỏi: Việc dạy nghề đối với người khuyết tật như thế nào?

Đáp: Nhà nước bảo đảm để người khuyết tật được tư vấn học nghề miễn phí, lựa chọn và học nghề theo khả năng, năng lực bình đẳng như những người khác.

Cơ sở dạy nghề có trách nhiệm cấp văn bằng, chứng chỉ, công nhận nghề đào tạo khi người khuyết tật học hết chương trình đào tạo và đủ điều kiện theo quy định của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề.

Người khuyết tật học nghề được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

14. Hỏi: Luật quy định như thế nào về việc làm đối với người khuyết tật?

Đáp: Nhà nước bảo đảm để người khuyết tật được tư vấn học nghề miễn phí, lựa chọn và học nghề theo khả năng, năng lực bình đẳng như những người khác.

Cơ sở dạy nghề có trách nhiệm cấp văn bằng, chứng chỉ, công nhận nghề đào tạo khi người khuyết tật học hết chương trình đào tạo và đủ điều kiện theo quy định của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề.

Cơ sở dạy nghề tổ chức dạy nghề cho người khuyết tật phải bảo đảm điều kiện dạy nghề cho người khuyết tật và được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Người khuyết tật học nghề, giáo viên dạy nghề cho người khuyết tật được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

15. Hỏi: Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật được hưởng chính sách gì?

Đáp: Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật được hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh; được ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước và miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất, kinh doanh theo tỷ lệ lao động là người khuyết tật, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô doanh nghiệp.

16. Hỏi: Hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch đối với người khuyết tật được quy định như thế nào?

Đáp: Nhà nước hỗ trợ hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch phù hợp với đặc điểm của người khuyết tật; tạo điều kiện để người khuyết tật được hưởng thụ văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch.

Người khuyết tật đặc biệt nặng được miễn, người khuyết tật nặng được giảm giá vé và giá dịch vụ khi sử dụng một số dịch vụ văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch theo quy định của Chính phủ.

Nhà nước và xã hội tạo điều kiện cho người khuyết tật phát triển tài năng, năng khiếu về văn hóa, nghệ thuật và thể thao; tham gia sáng tác, biểu diễn nghệ thuật, tập luyện, thi đấu thể thao.

Nhà nước hỗ trợ hoạt động thiết kế, chế tạo và sản xuất dụng cụ, trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao; khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân thiết kế, chế tạo, sản xuất dụng cụ, trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch phù hợp với người khuyết tật.

17. Hỏi: Việc tham gia giao thông của người khuyết tật như thế nào?

Đáp: Phương tiện giao thông cá nhân của người khuyết tật khi tham gia giao thông phải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và phù hợp với điều kiện sức khỏe của người khuyết tật. Phương tiện giao thông cá nhân đòi hỏi phải có giấy phép điều khiển thì người khuyết tật được học và cấp giấy phép điều khiển đối với phương tiện đó.

Người khuyết tật khi tham gia giao thông bằng các phương tiện giao thông công cộng được sử dụng các phương tiện hỗ trợ hoặc sự trợ giúp tương ứng; được phép mang theo và miễn phí khi mang phương tiện, thiết bị hỗ trợ phù hợp.

Người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng được miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ khi tham gia giao thông bằng một số phương tiện giao thông công cộng theo quy định của Chính phủ.

Người khuyết tật được ưu tiên mua vé, được giúp đỡ, sắp xếp chỗ ngồi thuận tiện khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

18. Hỏi: Trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng cho người khuyết tật như thế nào?

Đáp: * Đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bao gồm:

- Người khuyết tật đặc biệt nặng, trừ trường hợp người khuyết tật đặc biệt nặng không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội

- Người khuyết tật nặng.

* Đối tượng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng bao gồm:

- Gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người đó;

- Người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng;

- Người khuyết tật hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

* Người khuyết tật hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là trẻ em, người cao tuổi được hưởng mức trợ cấp cao hơn đối tượng khác cùng mức độ khuyết tật.

19. Hỏi: Nuôi dưỡng người khuyết tật trong cơ sở bảo trợ xã hội như thế nào?

Đáp: Người khuyết tật đặc biệt nặng không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội.

Nhà nước cấp kinh phí nuôi dưỡng người khuyết tật cho các cơ sở bảo trợ xã hội bao gồm:

- Trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng;

- Mua sắm tư trang, vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày;

- Mua thẻ bảo hiểm y tế;

- Mua thuốc chữa bệnh thông thường;

- Mua dụng cụ, phương tiện hỗ trợ phục hồi chức năng;

- Mai táng khi chết;

- Vệ sinh cá nhân hàng tháng đối với người khuyết tật là nữ.

20. Hỏi: Chế độ mai táng phí cho người khuyết tật như thế nào?

Đáp: Người khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được hỗ trợ chi phí mai táng khi chết.

21. Hỏi: Cơ sở chăm sóc người khuyết tật có trách nhiệm gì?

Đáp: Tuân thủ điều kiện hoạt động của cơ sở chăm sóc người khuyết tật; thực hiện đầy đủ các quy chuẩn về nuôi dưỡng, cung cấp dịch vụ tư vấn, trợ giúp người khuyết tật tương ứng với từng loại cơ sở.

Thực hiện cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất chưa bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập66
  • Hôm nay3,282
  • Tháng hiện tại66,534
  • Tổng lượt truy cập6,630,167
hoc tap va lam theo
cong khai minh bach
quang ba ten mien .vn
gop y du thao
hop thu dien tu
cong bao tay ninh
Hỏi đáp trực tuyến
Thi hành pháp luật
Cổng Thông Tin Pháp Điển
QR NỘI VỤ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây