1. Hỏi: Thanh niên là gì?
Đáp: Thanh niên là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi.
2. Hỏi: Thanh niên có vai trò, quyền và nghĩa vụ gì?
Đáp: Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội; có quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
3. Hỏi: Tháng mấy là Tháng Thanh niên?
Đáp: Tháng 3 hằng năm là Tháng Thanh niên. Tháng Thanh niên được tổ chức nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên để tham gia hoạt động vì lợi ích của cộng đồng, xã hội và vận động tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển thanh niên.
4. Hỏi: Ai có trách nhiệm đối thoại với thanh niên?
Đáp: Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm đối thoại với thanh niên ít nhất mỗi năm một lần về các vấn đề liên quan đến thanh niên; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân có trách nhiệm đối thoại với thanh niên theo yêu cầu của tổ chức thanh niên.
5. Hỏi: Thanh niên có trách nhiệm như thế nào đối với Tổ quốc?
Đáp: Đối với Tổ quốc, thanh niên có trách nhiệm phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc; xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập, giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; đảm nhận công việc khó khăn, gian khổ, cấp bách khi Tổ quốc yêu cầu; đấu tranh với các âm mưu, hoạt động gây phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
6. Hỏi: Đối với Nhà nước và xã hội, thanh niên có trách nhiệm gì?
Đáp: Đối với Nhà nước và xã hội, thanh niên có trách nhiệm gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện nghĩa vụ công dân; tham gia giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia; chủ động đề xuất ý tưởng, sáng kiến trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật; tham gia quản lý nhà nước và xã hội; tích cực tham gia tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật; xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh tạo việc làm; tham gia bảo vệ môi trường và các hoạt động vì lợi ích của cộng đồng, xã hội; tích cực tham gia hoạt động chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
7. Hỏi: Luật quy định trách nhiệm của thanh niên đối với gia đình như thế nào?
Đáp: Thanh niên có trách nhiệm chăm lo hạnh phúc gia đình; giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; kính trọng, hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ và tôn trọng các thành viên khác trong gia đình; chăm sóc, giáo dục con em trong gia đình; tích cực phòng, chống bạo lực gia đình, xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình.
8. Hỏi: Thanh niên có trách nhiệm gì đối với bản thân?
Đáp: Đối với bản thân, thanh niên có trách nhiệm rèn luyện đạo đức, nhân cách, lối sống văn hóa, ứng xử văn minh; có trách nhiệm công dân, ý thức chấp hành pháp luật; phòng, chống tiêu cực, tệ nạn xã hội, hành vi trái pháp luật và đạo đức xã hội; tích cực học tập, nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng; tiếp cận, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào thực tiễn; chủ động tìm hiểu về thị trường lao động; lựa chọn nghề nghiệp, việc làm phù hợp; rèn luyện ý thức trách nhiệm, kỷ luật lao động và tác phong chuyên nghiệp; sáng tạo, cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất lao động.
Thanh niên có trách nhiệm rèn luyện, bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe, phát triển thể chất và tinh thần; trang bị kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, phòng, chống bệnh tật; không lạm dụng rượu, bia; hạn chế sử dụng thuốc lá; không sử dụng ma túy, chất gây nghiện và chất kích thích khác mà pháp luật cấm; phòng, chống tác hại từ không gian mạng; tích cực tham gia các hoạt động, phong trào văn hóa, thể dục, thể thao lành mạnh; bảo vệ, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
9. Nhà nước có chính sách về học tập và nghiên cứu khoa học đối với thanh niên như thế nào?
Đáp: Nhà nước có chính sách bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận giáo dục và tạo điều kiện cho thanh niên tham gia nghiên cứu khoa học; ban hành và bảo đảm thực hiện các chương trình giáo dục đạo đức, lý tưởng, truyền thống dân tộc, lối sống văn hóa, kỹ năng sống, ý thức chấp hành pháp luật cho thanh niên; có chính sách tín dụng, học bổng, miễn, giảm học phí cho thanh niên theo quy định của pháp luật; khuyến khích, hỗ trợ thanh niên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và khả năng sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; ưu đãi, hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo của thanh niên, tham gia đào tạo kỹ năng sống và kỹ năng cần thiết khác cho thanh niên.
10. Nhà nước có chính sách gì về lao động, việc làm cho thanh niên?
Đáp: Nhà nước có chính sách tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động cho thanh niên; giáo dục kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp cho thanh niên; bảo đảm thanh niên không bị cưỡng bức, bóc lột sức lao động; tạo điều kiện để thanh niên có việc làm; tạo việc làm tại chỗ cho thanh niên ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo phù hợp với từng vùng, miền, gắn với từng giai đoạn phát triển của đất nước; tạo điều kiện cho thanh niên được vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn tín dụng hợp pháp khác để tự tạo việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh.
11. Hỏi: Nhà nước có chính sách về khởi nghiệp cho thanh niên như thế nào?
Đáp: Nhà nước có chính sách giáo dục, đào tạo kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho thanh niên; cung cấp thông tin về thị trường, hỗ trợ pháp lý, khoa học và công nghệ, xúc tiến đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, ưu đãi vay vốn từ các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật; khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi để thanh niên khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng khoa học và công nghệ; ưu đãi, hỗ trợ tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng dịch vụ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; khuyến khích thành lập quỹ khởi nghiệp cho thanh niên theo quy định của pháp luật
12. Hỏi: Nhà nước có chính sách gì về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho thanh niên?
Đáp: Nhà nước có chính sách tư vấn, hỗ trợ nâng cao sức khỏe cho thanh niên; phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại tình dục; phòng, chống ma túy, HIV/AIDS; phòng ngừa bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh xã hội khác và các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần của thanh niên.
Nhà nước bảo đảm cho thanh niên được cung cấp thông tin, tiếp cận dịch vụ thân thiện về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, cung cấp dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho thanh niên.
13. Hỏi: Nhà nước có chính sách như thế nào về văn hóa, thể dục, thể thao đối với thanh niên?
Đáp: Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ thanh niên tham gia hoạt động và sáng tạo trong văn hóa, thể dục, thể thao; tạo điều kiện cho thanh niên tích cực tham gia giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức và bảo vệ sự an toàn của thanh niên trên không gian mạng; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể dục, thể thao cho thanh niên.
14. Hỏi: Nhà nước có chính sách về bảo vệ Tổ quốc đối với thanh niên như thế nào?
Đáp: Nhà nước bảo đảm cho thanh niên được giáo dục quốc phòng và an ninh, tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm cho thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự; nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân, Dân quân tự vệ và tham gia quân nhân dự bị, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân theo quy định của pháp luật.
Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và các chính sách ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.
15. Hỏi: Nhà nước có chính sách gì đối với thanh niên xung phong?
Đáp: Thanh niên xung phong là lực lượng xung kích của thanh niên tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, giáo dục, đào tạo, rèn luyện thanh niên và các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách, khó khăn, gian khổ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhà nước ban hành chính sách để thanh niên xung phong thực hiện nhiệm vụ tham gia dự án phát triển kinh tế - xã hội được Nhà nước giao; tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và bảo vệ môi trường, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia; tham gia sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho thanh niên; các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách, khó khăn, gian khổ theo quy định của pháp luật.
Nhà nước bảo đảm điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất và trang thiết bị cần thiết cho tổ chức thanh niên xung phong khi thực hiện nhiệm vụ được Nhà nước giao. Thanh niên xung phong được hưởng chế độ, chính sách trong và sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
16. Hỏi: Đối với thanh niên tình nguyện, Nhà nước có chính sách gì?
Đáp: Thanh niên tình nguyện là thanh niên tự nguyện tham gia hoạt động vì lợi ích của cộng đồng, xã hội phù hợp với quy định của pháp luật.
Nhà nước ban hành chính sách đối với thanh niên tình nguyện như sau: Tạo lập các kênh thông tin để thanh niên được tiếp cận và tham gia hoạt động tình nguyện; xây dựng chương trình, dự án đưa thanh niên tình nguyện về làm việc tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo; hhuyến khích tổ chức, cá nhân hỗ trợ thanh niên tham gia hoạt động tình nguyện vì lợi ích của cộng đồng, xã hội.
17. Hỏi: Nhà nước có chính sách gì đối với thanh niên có tài năng?
Đáp: Nhà nước có chính sách phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ đối với thanh niên có tài năng. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thực hiện chính sách đối với thanh niên có tài năng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình.
18. Hỏi: Đối với thanh niên là người dân tộc thiểu số, Nhà nước có chính sách gì?
Đáp: Nhà nước có chính sách ưu tiên cho thanh niên là người dân tộc thiểu số về học tập, lao động, việc làm, khởi nghiệp, chăm sóc sức khỏe, thể dục, thể thao; hỗ trợ thanh niên là người dân tộc thiểu số giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, đấu tranh xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; ưu tiên lựa chọn đào tạo, bồi dưỡng và đưa vào quy hoạch để tạo nguồn lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức là thanh niên người dân tộc thiểu số trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước; khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức ưu tiên tuyển dụng thanh niên là người dân tộc thiểu số.
19. Hỏi: Đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, Nhà nước có chính sách như thế nào?
Đáp: Nhà nước có chính sách cho thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bảo đảm hoàn thành phổ cập giáo dục theo quy định của pháp luật; ưu tiên, tạo điều kiện tham gia hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí phù hợp với khả năng và lứa tuổi để phát triển toàn diện; đào tạo, tư vấn lựa chọn nghề nghiệp, việc làm phù hợp với lứa tuổi; trang bị kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ trước nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần và bảo đảm các biện pháp hỗ trợ, can thiệp để thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi được sống an toàn, lành mạnh; bảo đảm việc thực hiện các chính sách về hình sự, hành chính, dân sự theo quy định của pháp luật; ưu tiên giải quyết nhanh chóng các vụ việc gây tổn hại đến thể chất và tinh thần của thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; khuyến khích tổ chức, cá nhân phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu cho thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi./.
Ý kiến bạn đọc