TÀI LIỆU HỎI – ĐÁP LUẬT BÌNH ĐẲNG GIỚI

Thứ năm - 26/05/2022 11:20 1.258 0


Luật Bình đẳng giới đã được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 10 ngày 29-10-2006. Luật Bình đẳng giới bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2007. Luật này quy định nguyên tắc bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện bình đẳng giới.

Trên cơ sở nội dung của Luật Bình đẳng giới, Sở Tư pháp Tây Ninh biên soạn tài liệu Hỏi-đáp để tuyên truyền, phổ biến, rộng rãi đến cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

1. Hỏi. Mục tiêu bình đẳng giới được quy định trong Luật như thế nào?

Trả lời:

Mục tiêu bình đẳng giới là xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

2. Hỏi: Các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới?

Trả lời:

1. Nam, nữ bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

2. Nam, nữ không bị phân biệt đối xử về giới.

3. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới không bị coi là phân biệt đối xử về giới.

4. Chính sách bảo vệ và hỗ trợ người mẹ không bị coi là phân biệt đối xử về giới.

5. Bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật.

6. Thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân.

3. Hỏi: Nhà nước đã đưa ra những chính sách như thế nào về bình đẳng giới?

Trả lời:

1. Bảo đảm bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình; hỗ trợ và tạo điều kiện cho nam, nữ phát huy khả năng, có cơ hội như nhau để tham gia vào quá trình phát triển và thụ hưởng thành quả của sự phát triển.

2. Bảo vệ, hỗ trợ người mẹ khi mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ; tạo điều kiện để nam, nữ chia sẻ công việc gia đình.

3. Áp dụng những biện pháp thích hợp để xoá bỏ phong tục, tập quán lạc hậu cản trở thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

4. Khuyến khích cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân tham gia các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới.

5. Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế ? xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ những điều kiện cần thiết để nâng chỉ số phát triển giới đối với các ngành, lĩnh vực và địa phương mà chỉ số phát triển giới thấp hơn mức trung bình của cả nước.

4. Hỏi: Các hành vi nào bị nghiêm cấm trong Luật Bình đẳng giới?

Trả lời:

1. Cản trở nam, nữ thực hiện bình đẳng giới.

2. Phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức.

3. Bạo lực trên cơ sở giới.

4. Các hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật.

5. Hỏi: Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị được quy định như thế nào?

Trả lời:

1. Nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lý nhà nước, tham gia hoạt động xã hội.

2. Nam, nữ bình đẳng trong tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng hoặc quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức.

3. Nam, nữ bình đẳng trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

4. Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức.

5. Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị bao gồm:

a) Bảo đảm tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới;

b) Bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

6. Hỏi: Bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế được quy định như thế nào?

Trả lời:

1. Nam, nữ bình đẳng trong việc thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin, nguồn vốn, thị trường và nguồn lao động.

2. Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế bao gồm:

a) Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được ưu đãi về thuế và tài chính theo quy định của pháp luật;

b) Lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ tín dụng, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư theo quy định của pháp luật.

7.Hỏi: Bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động được quy định như thế nào?

Trả lời:

1. Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng, được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc về việc làm, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động và các điều kiện làm việc khác.

2. Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức danh trong các ngành, nghề có tiêu chuẩn chức danh.

3. Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động bao gồm:

a) Quy định tỷ lệ nam, nữ được tuyển dụng lao động;

b) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho lao động nữ;

c) Người sử dụng lao động tạo điều kiện vệ sinh an toàn lao động cho lao động nữ làm việc trong một số ngành, nghề nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại.

8. Hỏi: Bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo được quy định như thế nào?

Trả lời:

1. Nam, nữ bình đẳng về độ tuổi đi học, đào tạo, bồi dưỡng.

2. Nam, nữ bình đẳng trong việc lựa chọn ngành, nghề học tập, đào tạo.

3. Nam, nữ bình đẳng trong việc tiếp cận và hưởng thụ các chính sách về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

4. Nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới ba mươi sáu tháng tuổi được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.

5. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo bao gồm:

a) Quy định tỷ lệ nam, nữ tham gia học tập, đào tạo;

b) Lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ dạy nghề theo quy định của pháp luật.

9. Hỏi: Bình đẳng giới trong lĩnh vực khoa học và công nghệ được quy định như thế nào?

Trả lời:

1. Nam, nữ bình đẳng trong việc tiếp cận, ứng dụng khoa học và công nghệ.

2. Nam, nữ bình đẳng trong việc tiếp cận các khoá đào tạo về khoa học và công nghệ, phổ biến kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ và phát minh, sáng chế.

10. Hỏi: Bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hoá, thông tin, thể dục, thể thao được quy định như thế nào?

Trả lời:

1. Nam, nữ bình đẳng trong tham gia các hoạt động văn hoá, thông tin, thể dục, thể thao.

2. Nam, nữ bình đẳng trong hưởng thụ văn hoá, tiếp cận và sử dụng các nguồn thông tin.

11. Hỏi: Bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế được quy định như thế nào?

Trả lời:

1. Nam, nữ bình đẳng trong tham gia các hoạt động giáo dục, truyền thông về chăm sóc sức khỏe, sức khoẻ sinh sản và sử dụng các dịch vụ y tế.

2. Nam, nữ bình đẳng trong lựa chọn, quyết định sử dụng biện pháp tránh thai, biện pháp an toàn tình dục, phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

3. Phụ nữ nghèo cư trú ở vùng sâu, vùng xa, là đồng bào dân tộc thiểu số, trừ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, khi sinh con đúng chính sách dân số được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.

12. Hỏi: Bình đẳng giới trong gia đình được quy định như thế nào?

Trả lời:

1. Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.

2. Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình.

3. Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hoá gia đình phù hợp; sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc con ốm theo quy định của pháp luật.

4. Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển.

5. Các thành viên nam, nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình.

13. Hỏi: Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới bao gồm những biện pháp nào ?

Trả lời:

1. Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới bao gồm:

a) Quy định tỷ lệ nam, nữ hoặc bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng tham gia, thụ hưởng;

b) Đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ năng lực cho nữ hoặc nam;

c) Hỗ trợ để tạo điều kiện, cơ hội cho nữ hoặc nam;

d) Quy định tiêu chuẩn, điều kiện đặc thù cho nữ hoặc nam;

đ) Quy định nữ được quyền lựa chọn trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam;

e) Quy định việc ưu tiên nữ trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam;

g) Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được quy định tại khoản 5 Điều 11, khoản 2 Điều 12, khoản 3 Điều 13, khoản 5 Điều 14 của Luật này.

2. Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ có thẩm quyền quy định biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới quy định tại khoản 1 Điều này, có trách nhiệm xem xét việc thực hiện biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới và quyết định chấm dứt thực hiện khi mục đích bình đẳng giới đã đạt được.

14. Hỏi: Bảo đảm các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật?

Trả lời:

1. Việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới.

2. Các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới là một căn cứ quan trọng của việc rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập55
  • Hôm nay3,398
  • Tháng hiện tại66,650
  • Tổng lượt truy cập6,630,283
hoc tap va lam theo
cong khai minh bach
quang ba ten mien .vn
gop y du thao
hop thu dien tu
cong bao tay ninh
Hỏi đáp trực tuyến
Thi hành pháp luật
Cổng Thông Tin Pháp Điển
QR NỘI VỤ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây