Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không chỉ đi ngược với thuần phong, mỹ tục của người Việt mà còn vi phạm pháp luật và nguy hại hơn là để lại cho gia đình, xã hội và thế hệ tương lai những hệ lụy khôn lường. Kết hôn sớm làm mất đi cơ hội học tập, việc làm, cơ hội cải thiện điều kiện sống và chăm sóc sức khỏe của bà mẹ và trẻ em, đặc biệt hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng nghiêm trọng đến giống nòi, phát triển trí tuệ, chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số. Vì vậy ngăn ngừa, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nói chung, trong vùng dân tộc thiểu số nói riêng là trách nhiệm mỗi cá nhân, gia đình cộng đồng và của cả hệ thống chính trị. Đây cũng chính là mục tiêu của Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 498/ QĐ-TTg ngày 14 tháng 4 năm 2015.
Nhằm giúp mọi người, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số hiểu rõ và thực hiện tốt hơn các quy định của pháp luật liên quan trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, Sở Tư pháp Tây Ninh xin giới thiệu một số quy định của Pháp luật về Hôn nhân và Gia đình năm liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Hỏi: Thế nào là tảo hôn? Thế nào là những người cùng dòng máu về trực hệ? Thế nào là những người có họ trong phạm vi ba đời?
Trả lời:
- Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia định năm 2014 (Luật HNGĐ năm 2014).
- Những người cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau.
- Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.
1. Hỏi: Để bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình, nhà nước ta cấm thực hiện những hành vi nào liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống?
Trả lời:
Điểm b, điểm d Điều 5 bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình, nhà nước ta cấm thực hiện những hành vi sau đây liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống:
" b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng".
2. Hỏi: Tập quán về hôn nhân và gia đình được áp dụng trong trường hợp nào?
Trả lời:
Điều 7 Luật HNGĐ năm 2014 quy định chỉ áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc, không trái với nguyên tắc quy định tại Điều 2 Nghị định 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình và không vi phạm điều cấm của Luật HNGĐ năm 2014.
3. Hỏi: Nguyên tắc áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình được quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo Điều 2, Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật HNGĐ năm 2014 quy định nguyên tắc áp dụng tập quán như sau:
- Tập quán được áp dụng phải là quy tắc xử sự phù hợp với quy định tại Khoản 4 Điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình.
- Việc áp dụng tập quán phải tuân theo các điều kiện được quy định tại Điều 7 của Luật Hôn nhân và gia đình.
- Tôn trọng sự thỏa thuận của các bên về tập quán được áp dụng.
4. Hỏi: Thỏa thuận về áp dụng tập quán được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo Điều 3, Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật HNGĐ năm 2014 quy định về thỏa thuận áp dụng tập quán như sau:
- Quy định các bên không có thỏa thuận tại khoản 1 Điều 7 của Luật Hôn nhân và gia đình được hiểu là các bên không có thỏa thuận về áp dụng tập quán và cũng không có thỏa thuận khác về vụ, việc cần được giải quyết.
- Trường hợp các bên có thỏa thuận về tập quán được áp dụng thì giải quyết theo thỏa thuận đó; nếu các bên không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định tại Điều 4 của Nghị định này.
5. Hỏi: Giải quyết vụ, việc hôn nhân và gia đình có áp dụng tập quán được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo Điều 4, Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật HNGĐ năm 2014 quy định giải quyết vụ, việc hôn nhân và gia đình có áp dụng tập quán như sau:
- Trường hợp giải quyết vụ, việc hôn nhân và gia đình có áp dụng tập quán thì thực hiện việc hòa giải theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, khuyến khích sự tham gia hòa giải của người có uy tín trong cộng đồng, chức sắc tôn giáo.
- Trường hợp hòa giải không thành hoặc vụ, việc hôn nhân và gia đình có áp dụng tập quán không thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở thì Tòa án giải quyết vụ, việc đó theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
6. Hỏi: Thế nào là tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình?
Trả lời:
Theo khoản 2 Điều 5, Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật HNGĐ năm 2014 quy định tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình như sau:
Tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình là tập quán trái với những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 2 của Luật Hôn nhân và gia đình hoặc vi phạm điều cấm quy định tại Khoản 2 Điều 5 của Luật Hôn nhân và gia đình.
7. Hỏi: Những tập quán lạc hậu nào về hôn nhân và gia đình cần vận động xóa bỏ?
Trả lời:
Theo quy định tại Mục I Phụ lục Danh mục các tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cần vận động xóa bỏ hoặc cấm áp dụng ban hành kèm theo Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ, các tập quán sau đây cần vận động xóa bỏ:
1. Kết hôn trước tuổi quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.
2. Việc đăng ký kết hôn không do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện.
3. Cưỡng ép kết hôn do xem "lá số" và do mê tín dị đoan; cản trở hôn nhân do khác dân tộc, tôn giáo.
4. Cấm kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi từ bốn đời trở lên.
5. Nếu nhà trai không có tiền cưới và đồ sính lễ thì sau khi kết hôn, người con rể buộc phải ở rể để trả công cho bố, mẹ vợ.
6. Quan hệ gia đình theo chế độ phụ hệ hoặc mẫu hệ, không bảo đảm quyền bình đẳng giữa vợ và chồng, giữa con trai và con gái.
a) Chế độ phụ hệ: Khi ly hôn, nếu do người vợ yêu cầu ly hôn thì nhà gái phải trả lại nhà trai toàn bộ đồ sính lễ và những phí tổn khác; nếu do người chồng yêu cầu ly hôn thì nhà gái vẫn phải trả lại nhà trai một nửa đồ sính lễ. Sau khi ly hôn, nếu người phụ nữ kết hôn với người khác thì không được hưởng và mang đi bất cứ tài sản gì. Sau khi cha, mẹ ly hôn, con phải theo cha. Khi người chồng chết, người vợ góa không có quyền hưởng phần di sản của người chồng quá cố để lại. Nếu người vợ góa tái hôn với người khác thì không được hưởng và mang đi bất cứ tài sản gì. Khi người cha chết, chỉ các con trai có quyền còn các con gái không có quyền hưởng phần di sản của người cha quá cố để lại.
b) Chế độ mẫu hệ: Người con bị bắt buộc phải mang họ của người mẹ. Khi người vợ chết, người chồng góa không có quyền hưởng phần di sản của người vợ quá cố để lại và không được mang tài sản riêng của mình về nhà. Khi người mẹ chết, chỉ các con gái có quyền còn các con trai không có quyền hưởng phần di sản của người mẹ quá cố để lại. Sau khi ở rể, người con rể bị "từ hôn" hoặc sau khi ăn hỏi, nhận đồ sính lễ, người con trai bị "từ hôn" thì không được bù trả lại.
7. Không kết hôn giữa người thuộc dân tộc này với người thuộc dân tộc khác và giữa những người khác tôn giáo.
8. Hỏi: Những tập quán lạc hậu nào về hôn nhân và gia đình cần cấm áp dụng?
Trả lời:
Theo quy định tại Mục II Phụ lục Danh mục các tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cần vận động xóa bỏ hoặc cấm áp dụng ban hành kèm theo Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ, các tập quán sau đây cần cấm áp dụng:
1. Chế độ hôn nhân đa thê.
2. Kết hôn giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người khác có họ trong phạm vi ba đời.
3. Tục cướp vợ để cưỡng ép người phụ nữ làm vợ.
4. Thách cưới cao mang tính chất gả bán (như đòi bạc trắng, tiền mặt, của hồi môn, trâu, bò, chiêng ché... để dẫn cưới).
5. Phong tục "nối dây"; Khi người chồng chết, người vợ góa bị ép buộc kết hôn với anh trai hoặc em trai của người chồng quá cố; khi người vợ chết, người chồng góa bị ép buộc kết hôn với chị gái hoặc em gái của người vợ quá cố.
6. Bắt buộc người phụ nữ góa chồng hoặc người đàn ông góa vợ, nếu kết hôn với người khác thì phải trả lại tiền cưới cho nhà chồng cũ hoặc nhà vợ cũ.
7. Đòi lại của cải, phạt vạ khi vợ, chồng ly hôn.
9. Hỏi: Thế nào là tảo hôn?
Trả lời:
Theo khoản 8 Điều 3 Luật HNGĐ năm 2014 quy định: Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật này.
Ngoài ra, tảo hôn còn được hiểu bằng các cách khác như: Tảo hôn là việc kết hôn trái pháp luật do vi phạm về độ tuổi kết hôn. Tảo hôn là việc hai bên chung sống như vợ chồng dưới tuổi luật định. Tảo hôn là việc nam, nữ xác lập quan hệ vợ chồng khi một bên hoặc cả hai bên nam, nữ chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật.
10. Hỏi: Thế nào là tổ chức tảo hôn?
Trả lời:
Tổ chức tảo hôn là hành vi tổ chức cho nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng nhưng việc xác lập này là trái pháp luật (không đủ điều kiện kết hôn) mà cụ thể là chưa đủ tuổi kết hôn. Tổ chức tảo hôn bao gồm những hành vi sau:
- Chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động để người chưa đến tuổi kết hôn được kết hôn;
- Tìm người chưa đến tuổi kết hôn cho người khác để tổ chức kết hôn;
- Chuẩn bị các điều kiện vật chất hoặc tinh thần cho người chưa đến tuổi kết hôn để họ kết hôn với người khác.
11. Hỏi: Tảo hôn gây ra hậu quả gì cho gia đình và xã hội?
Trả lời:
Tảo hôn gây ra những hậu quả xấu đối với gia đình và xã hội, đó là:
- Ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em ;
- Ảnh hưởng xấu đến việc chăm sóc con cái;
- Nảy sinh nhiều mâu thuẫn gia đình do hôn nhân không có tình yêu;
- Làm suy giảm chất lượng dân số, suy thoái giống nòi;
- Hạn chế sức lao động;
- Ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội;
- Vi phạm pháp luật về hôn nhân, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng.
12. Hỏi: Xử lý việc chung sống như vợ chồng dưới tuổi luật định như thế nào?
Trả lời:
Theo khoản 7 Điều 3 Luật HNGĐ năm 2014 quy định: Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng.
Chung sống với nhau như vợ chồng dưới tuổi luật định (Hai bên nam nữ chung sống như vợ chồng; một hoặc cả hai bên nam nữ chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định) là hành vi tảo hôn và vi phạm pháp luật. Hai bên nam nữ không được công nhận là quan hệ vợ chồng.
Hành vi tảo hôn là hành vi bị cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Tùy vào tính chất và mức độ mà hành vi tảo hôn bị xử phạt vi phạm hành hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
13. Hỏi: Xử phạt hành chính đối với hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn được quy định như thế nào?
Trả lời:
Điều 58 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã thì hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn bị xử phạt hành chính cụ thể như sau:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án.
14. Hỏi: Pháp luật xử lý như thế nào đối với hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời?
Trả lời:
Điểm a khoản 2 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời.
14. Hỏi: Pháp luật xử lý như thế nào về tội tổ chức tảo hôn, tảo hôn?
Trả lời:
Đối với hành vi tảo hôn với mức độ vi phạm nghiêm trọng có thể bị xử phạt hình sự về tội tổ chức tảo hôn hoặc tội giao cấu với trẻ em theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:
- Điều 183. Tội tổ chức tảo hôn: Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
- Điều 145. Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi: Người nào đã thành niên (từ đủ 18 tuổi trở lên) mà giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.. Trường hợp "phạm tội nhiều lần" hoặc "làm nạn nhân có thai" thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm. Người đã thành niên giao cấu với người từ đủ 16 tuổi trở lên không cấu thành tội phạm.
Ý kiến bạn đọc