- Địa điểm trụ sở chính: Số 21 quốc lộ 22B, khu phố 3, thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.
- Điện thoại: 02763.874231
- Địa chỉ mail: ubndthitran-tb@tayninh.gov.vn
ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
Thị trấn Tân Biên là trung tâm kinh tế - văn hóa, xã hội – an ninh, quốc phòng của huyện Tân Biên. Thị trấn Tân Biên có tổng diện tích là 828,28 ha, có 4.124 hộ với 14.695 nhân khẩu, địa giới hành chính được chia làm 07 khu phố với 103 tổ dân cư tự quản, vị trí địa lý các hướng đông, tây, nam, bắc đều tiếp giáp xã Thạnh Tây. Hầu hết các cơ quan Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội của huyện đều trú đóng trên địa bàn thị trấn. Nguồn thu nhập chính của nhân dân thị trấn từ các hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp. Dân cư Thị trấn chủ yếu từ các tỉnh, thành khác, Việt kiều Cam-pu-chia và cán bộ công nhân viên chức đang công tác trên địa bàn về sinh cơ lập nghiệp vì vậy văn hóa của cộng đồng dân cư ở đây mang nhiều sắc thái, phong tục tập quán, tín ngưỡng khác nhau so với các vùng khác.
Trên địa bàn Thị trấn Tân Biên chủ yếu là dân tộc Kinh, ngoài ra còn có dân tộc Hoa, dân tộc Khơ- me và một số dân tộc thiểu số khác. Về Tôn giáo, Thị trấn có 3 tôn giáo chính đó là: Phật giáo, Công Giáo và Cao Đài. Trong những năm gần đây đời sống kinh tế, văn hóa của nhân dân ngày càng được nâng cao, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định. Có 01 xí nghiệp Hoàng Gia VMC với khoảng 1200 công nhân. Đại đa số có ý thức, chấp hành tốt đừờng lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước và các quy định tại địa phương.
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Thị trấn Tân Biên được thành lập ngày 22/9/1992 theo Quyết định số 618/TCCP, ngày 22/9/1992 của Ban Tổ chức chính phủ. Bộ máy của thị trấn chính thức hoạt động vào cuối tháng 11/1992. Toàn thị trấn được chia thành 04 khóm: khóm 1, khóm 2, khóm 3, khóm 4, có diện tích tự nhiên là 780 ha và 9.500 nhân khẩu; cả bốn phía Đông, Tây, Nam, Bắc đều tiếp giáp xã Thạnh Tây.
Nhân dân trong thị trấn sống bằng nghề thương nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các dịch vụ khác tập trung nhiều ở khu vực Chợ. Ngoài ra, số ít nông dân sản xuất nông nghiệp, phần lớn là xâm canh trên đất xã Thạnh Tây và các xã khác trên địa bàn huyện Tân Biên. Đặc biệt, trên địa bàn thị trấn có nhiều cơ quan tỉnh, huyện trú đóng.
Thị trấn Tân Biên là địa phương có tiềm năng cơ hội lớn về thương mại dịch vụ để phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội, nhưng khi mới chia tách thành lập xuất phát điểm về kinh tế - xã hội còn thấp: chủ yếu là ngành nông nghiệp chiếm 70%, các ngành thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp chỉ chiếm 30%, tập trung chủ yếu ở khu vực chợ và rải rác theo quốc lộ 22B. Toàn thị trấn chỉ có 156 hộ kinh doanh vừa và nhỏ. Thu ngân sách chỉ đảm bảo vừa đủ chi cho các hoạt động của địa phương.
Cơ sở hạ tầng giao thông chỉ có 2 tuyến đường được nhựa hóa quốc lộ 22B và đường 795. Còn lại hầu hết là đường sỏi đỏ và đường đất, trong đó có nhiều tuyến đã xuống cấp trầm trọng đi lại rất khó khăn. Ngay cả trụ sở làm việc của Ủy ban thị trấn còn rất đơn sơ, 4 khóm chưa có trụ sở làm việc.
Đời sống nhân dân còn rất nhiều khó khăn, nhà ở chủ yếu bằng cây lợp ngói, nhà xây còn rất ít. Có khoảng 60% người dân được sử dụng điện lưới quốc gia, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại rất thấp chủ yếu là các cơ quan và một số hộ kinh doanh. Chưa có mạng điện thoại di động và mạng internet…..
Thị trấn có 01 trạm truyền thanh tại trụ sở và 7 loa phát thanh được bố trí dọc quốc lộ 22B để tuyên truyền các chủ trương chính sách ra dân. Tuy nhiên công tác tuyên truyền chủ yếu bằng hình thức tuyên truyền miệng qua các cuộc họp dân. Dịch vụ văn hóa phục vụ nhân dân chủ yếu là các quán cà phê video và 02 rạp chiếu phim. Trên địa bàn chỉ có 01 sân bóng đá của huyện, còn sân bóng chuyền thì do dân tự lập rải rác ở các khóm. Nhìn chung các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ nhu cầu của nhân dân rất hạn chế.
Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang và những thành tựu to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân anh hùng, từ ngày thành lập thị trấn đến nay được sự chỉ đạo kịp thời của Huyện uỷ, UBND huyện; sự giúp đỡ của các cơ quan, đoàn thể huyện. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn đã tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn, đầu tư khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế đưa địa phương liên tục phát triển. Trải qua 6 nhiệm kỳ đại hội, Đảng bộ thị trấn đề ra nhiều chủ trương, giải pháp toàn diện, trong đó có những chủ trương mang tính đột phá, mở đường cho kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ, đưa thị trấn từ một địa phương có xuất phát điểm thấp trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của huyện.
Công tác xây dựng đô thị được Đảng bộ, Chính quyền, MTTQ và các đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Năm 2016 thị trấn Tân biên được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn đô thị loại V từ đó đến nay đến nay Thị trấn đã duy trì được các tiêu chí đô thị loại V và từng bước xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn của đô thị loại IV, hiện tại thị trấn đã đạt được 2/5 tiêu chí, 45/59 tiêu chuẩn đô thị loại IV.
Qua 30 năm “xây dựng, đổi mới và phát triển” bước đầu đã đạt được những thành quả trong sự nghiệp đổi mới: kinh tế của thị trấn có bước tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế được chuyển dịch đúng hướng; giao thông được hình thành và kết nối tạo hành lang kinh tế mới cho sự phát triển; tình hình chính trị, xã hội ổn định, an ninh quốc phòng được giữ vững. Bộ máy lãnh đạo Đảng, chính quyền được củng cố và tăng cường, công tác dân vận, MTTQ được đẩy mạnh và phát triển…đây chính là những tiền đề quan trọng để Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tiếp tục thực hiện công cuộc xây dựng, đổi mới và phát triển địa phương.
Nguồn tin: Trà My – UBND thị trấn:
Ý kiến bạn đọc