MỘT SỐ NỘI DUNG, CHÍNH SÁCH MỚI NỔI BẬT CỦA LUẬT THỎA THUẬN QUỐC TẾ

Thứ tư - 01/03/2023 07:19 1.503 0

1. Một số nội dung, chính sách mới nổi bật

Luật Thỏa thuận quốc tế có một số nội dung mới, có ý nghĩa hết sức quan trọng.

- Thứ nhất, Luật đã mở rộng chủ thể ký kết TTQT, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc ký kết TTQT của các chủ thể chưa được quy định trong Pháp lệnh năm 2007 như tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới; cơ quan cấp tỉnh của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Để so sánh, Pháp lệnh 2007 chỉ điều chỉnh các chủ thể ký kết gồm cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cơ quan trung ương của tổ chức.

Đối với các thỏa thuận nhân danh Nhà nước, Chính phủ nhưng không phải là điều ước quốc tế theo quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016 (như các tuyên bố chung, chương trình hành động,…) thì việc ký kết cũng sẽ thực hiện theo quy định của Luật Thỏa thuận quốc tế. Trước đây, các thoả thuận loại này được coi là Điều ước quốc tế nên không được Pháp lệnh 2007 điều chỉnh. Sau khi Luật Điều ước quốc tế năm 2016 có hiệu lực, việc ký kết loại thỏa thuận này được thực hiện theo Quyết định 36/2018/QĐ-TTg.

Đối với việc mở rộng chủ thể ký kết TTQT đến Ủy ban nhân dân cấp xã, trong quá trình thảo luận về dự án Luật, Chính phủ và Quốc hội đã có xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng. Thực tế, hợp tác quốc tế luôn tiềm ẩn những vấn đề nhạy cảm về chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh đòi hỏi cơ quan, đơn vị tham mưu và chủ thể ký kết phải có năng lực nhất định, do vậy việc mở rộng chủ thể ký kết TTQT cần được cân nhắc thận trọng là lẽ đương nhiên. Mặt khác, chúng ta cũng cần nhìn nhận thực tế về nhu cầu và hiệu quả của việc ký kết và thực hiện các văn bản này. Thời gian qua, việc triển khai ký kết văn bản hợp tác quốc tế được thực hiện ở tất cả các cấp, từ trung ương đến địa phương. Đặc biệt, việc ký kết của các xã biên giới thời gian qua đã góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác, thắt chặt tình đoàn kết, bảo đảm an ninh, trật tự khu vực biên giới, thúc đẩy hoạt động đối ngoại nhân dân, giao lưu, trao đổi văn hóa, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện các điều ước quốc tế về biên giới giữa Việt Nam với các nước láng giềng. Điều khó khăn khi xây dựng Luật Thỏa thuận quốc tế là phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng về hội nhập quốc tế sâu rộng, nâng cao công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới, nâng cao chất lượng công tác thỏa thuận quốc tế bằng cách đưa các loại thỏa thuận quốc tế này vào Luật để tạo cơ sở quản lý, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương.

Từ thực tiễn nhu cầu ký kết các văn bản hợp tác quốc tế của Ủy ban nhân dân cấp xã và để đáp ứng yêu cầu hợp tác quốc tế, Luật đã quy định chỉ mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới. Đồng thời, để bảo đảm phù hợp với năng lực, bảo đảm yêu cầu về chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh quốc gia, Luật đã giới hạn một số nội dung Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới được ký như về giao lưu, trao đổi thông tin, kết nghĩa, hợp tác quản lý biên giới phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên (khoản 6 Điều 3) và quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, cho phép và chịu trách nhiệm về việc ký kết thỏa thuận quốc tế của Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới (khoản 2 Điều 20, khoản 2 Điều 47). Quá trình xây dựng thỏa thuận quốc tế nhân danh Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới cũng phải tuân thủ trình tự, thủ tục hết sức chặt chẽ, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định quy định chi tiết về vấn đề này.

- Thứ hai, do Luật Thỏa thuân quốc tế mở rộng phạm vi điều chỉnh đến cả các thỏa thuận nhân danh Nhà nước, Chính phủ (cũng là chủ thể ký kết điều ước quốc tế) nên Luật đã bổ sung điều khoản quy định rõ tính chất của TTQT để phân biệt với điều ước quốc tế và với các hợp đồng, thỏa thuận về giao dịch dân sự, kinh tế, tài chính, đầu tư. Theo đó, thỏa thuận quốc tế là thỏa thuận bằng văn bản về hợp tác quốc tế giữa bên ký kết Việt Nam trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình với bên ký kết nước ngoài, không làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế (khoản 1 Điều 2). Nội dung này không đặt ra đối với Pháp lệnh 2007 một mặt do Pháp lệnh chưa đề cập đến chủ thể Nhà nước, Chính phủ, mặt khác do thời điểm đó chưa phát sinh tranh chấp liên quan đến đầu tư giữa Ủy ban nhân dân cấp tỉnh với một số nhà đầu tư nước ngoài dẫn đến việc một số tập đoàn lớn nước ngoài khởi kiện Chính phủ, Nhà nước Việt Nam.

- Thứ ba, Luật đã bổ sung một chương mới quy định về trình tự, thủ tục rút gọn với những tiêu chí, điều kiện cụ thể để áp dụng trong trường hợp cần xử lý gấp do yêu cầu về chính trị, đối ngoại, cứu trợ khẩn cấp, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh. Luật quy định hai hình thức rút gọn, bao gồm rút gọn về quy trình và rút gọn về thời hạn, hồ sơ. So với Pháp lệnh 2007, đây là nội dung hoàn toàn mới, được xây dựng trên cơ sở kế thừa và vận dụng quy định về trình tự, thủ tục rút gọn tại Luật Điều ước quốc tế năm 2016 (Chương VII) và Quyết định số 36/2018/QĐ-TTg ngày 24/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định thủ tục ký kết, thực hiện thỏa thuận nhân danh Chính phủ và kiến nghị Chủ tịch nước quyết định ký kết thỏa thuận nhân danh Nhà nước không phải là Điều ước quốc tế để điều chỉnh phù hợp với các loại TTQT được quy định tại Luật này nhằm tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức chủ động, tích cực thực hiện hội nhập quốc tế theo đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, giải quyết các khó khăn, vướng mắc đang gặp phải; rút ngắn thời gian thực hiện các quy trình ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn TTQT dưới một số điều kiện nhất định và đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

- Thứ tư, Luật bổ sung một số điều khoản về thủ tục ký kết TTQT nhân danh nhiều cơ quan, tổ chức; TTQT liên quan đến quốc phòng, an ninh, đầu tư. Đối với việc ký kết TTQT nhân danh nhiều cơ quan, tổ chức thì các cơ quan, tổ chức đó thống nhất bằng văn bản chỉ định cơ quan, tổ chức làm đầu mối ký kết trước khi tiến hành các trình tự, thủ tục thông thường; trong trường hợp không thống nhất được cơ quan, tổ chức làm đầu mối ký kết thì báo cáo cơ quan cấp trên có thẩm quyền quyết định (khoản 1 Điều 24). Đối với các TTQT liên quan đến quốc phòng, an ninh, đầu tư, Luật quy định cơ quan ký kết ngoài việc tuân theo trình tự, thủ tục chung còn có trách nhiệm xin ý kiến của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Điều 25), nhằm có cơ chế quản lý chặt chẽ hơn đối với nhóm TTQT loại này. Hồ sơ trình về việc ký kết nhóm thỏa thuận quốc tế này cần có ý kiến bằng văn bản của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (khoản 2 Điều 28). Đây là quy định hoàn toàn mới so với Pháp lệnh năm 2007 nhằm đáp ứng nhu cầu phát sinh trên thực tế, cũng như đảm bảo chặt chẽ hơn trong quy trình, thủ tục đối với một số loại TTQT đặc thù.

2. Một số nội dung khác của Luật

Ngoài các nội dung, chính sách mới nêu tại điểm 3.3 trên đây, Luật Thỏa thuận quốc tế đã kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh 2007, đồng thời có sửa đổi, bổ sung để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Cụ thể, một số nội dung chính của Luật như sau:

a) Bên ký kết Việt Nam: Thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh các cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều 2 của Luật, gồm:

- Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ (chủ thể Nhà nước, Chính phủ là quy định mới);

- Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội (gọi chung là cơ quan của Quốc hội), Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước;

- Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

- Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (gọi chung là cơ quan nhà nước cấp tỉnh);

- Tổng cục, cục thuộc B, cơ quan ngang Bộ (quy định mới);

- Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (quy định mới);

- Ủy ban nhân dân cấp huyện (quy định mới);

- Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới (quy định mới);

- Cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;

- Cơ quan cấp tỉnh của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (quy định mới).

Pháp lệnh năm 2007 chỉ điều chỉnh các chủ thể ở cấp trung ương, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan trung ương của tổ chức.

b) Bên ký kết nước ngoài là Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức được thành lập theo pháp luật nước ngoài, tổ chức quốc tế, cá nhân nước ngoài (khoản 4 Điều 2). Pháp lệnh 2007 không quy định chủ thể là “cá nhân nước ngoài”.

c) Nguyên tắc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế (Điều 3):

- Phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, lợi ích quốc gia, dân tộc, đường lối đối ngoại của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; tuân thủ nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và các nguyên tắc cơ bản khác của pháp luật quốc tế.

- Việc ký kết thỏa thuận quốc tế không được làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế; không được ký kết thỏa thuận quốc tế về các vấn đề phải thực hiện thông qua việc ký kết điều ước quốc tế theo quy định của pháp luật.

- Bảo đảm yêu cầu về đối ngoại và hiệu quả của thỏa thuận quốc tế được ký kết, trong phạm vi nguồn kinh phí ngân sách nhà nước được giao hoặc tự chủ theo quy định của pháp luật.

- Phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức ký kết thỏa thuận quốc tế và tuân thủ trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế quy định tại Luật này.

- Việc ký kết thỏa thuận quốc tế của các cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g, h, i và k khoản 2 Điều 2 của Luật này không được ràng buộc trách nhiệm thực hiện của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ hoặc cơ quan, tổ chức Việt Nam không ký kết thỏa thuận quốc tế đó[1].

- Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới chỉ ký kết thỏa thuận quốc tế với bên ký kết nước ngoài là chính quyền địa phương cấp tương đương về giao lưu, trao đổi thông tin, kết nghĩa, hợp tác thực hiện quản lý biên giới phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Bên ký kết Việt Nam có trách nhiệm thực hiện thỏa thuận quốc tế được ký kết, đồng thời có quyền yêu cầu bên ký kết nước ngoài cũng phải thực hiện thỏa thuận quốc tế đó trên tinh thần hữu nghị, hợp tác.

So với Pháp lệnh 2007, các nguyên tắc được nêu tại Luật Thỏa thuận quốc tế nhấn nhiều hơn đến các tiêu chí phân biệt TTQT với Điều ước quốc tế ở các nguyên tắc thứ hai và thứ năm, yêu cầu về “trong phạm vi nguồn kinh phí ngân sách nhà nước được giao hoặc tự chủ theo quy định của pháp luật” cũng lần đầu tiên được luật hoá.

d) Tên gọi của thỏa thuận quốc tế (Điều 6): Thỏa thuận quốc tế được ký kết với tên gọi là thỏa thuận, thông cáo, tuyên bố, ý định thư, bản ghi nhớ, biên bản thỏa thuận, biên bản trao đổi, chương trình hợp tác, kế hoạch hợp tác hoặc tên gọi khác, trừ tên gọi đặc thù của điều ước quốc tế gồm công ước, hiệp ước, định ước, hiệp định.

Pháp lệnh 2007 không có quy định mang tính hướng dẫn này.

đ) Ngôn ngữ của thỏa thuận quốc tế (Điều 7): Thỏa thuận quốc tế phải có văn bản bằng tiếng Việt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài (thí dụ như các điều ước quốc tế đa phương). Trong trường hợp thỏa thuận quốc tế chỉ có văn bản bằng tiếng nước ngoài thì bên ký kết Việt Nam có trách nhiệm dịch thỏa thuận quốc tế đó ra tiếng Việt.

Văn bản bằng tiếng Việt phải bảo đảm chính xác về nội dung và thống nhất về hình thức với văn bản bằng tiếng nước ngoài của thỏa thuận quốc tế.

e) Thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế

Danh nghĩa ký kết

Thẩm quyền quyết định ký kết

Nhà nước

Chủ tịch nước

Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội

Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ

Hội đồng Dân tộc

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc

Ủy ban của Quốc hội

Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội

Tổng Thư ký Quốc hội

Tổng Thư ký Quốc hội

Văn phòng Quốc hội

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Người đứng đầu cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Kiểm toán nhà nước

Tổng Kiểm toán nhà nước

Tòa án nhân dân tối cao

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao

Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Văn phòng Chủ tịch nước

Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước

Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ

Hội đồng nhân dân cấp tỉnh

Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Tổng cục, cục thuộc B, cơ quan ngang Bộ

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang B

Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Ủy ban nhân dân cấp huyện

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Cơ quan trung ương của tổ chức

Người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức quyết định (sau khi có văn bản đồng ý của cơ quan quản lý hoạt động đối ngoại của tổ chức)

Cơ quan cấp tỉnh của tổ chức

Cơ quan quản lý hoạt động đối ngoại của cơ quan cấp tỉnh của tổ chức quyết định

g) Trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế:

Trình tự, thủ tục ký kết TTQT nhân danh các chủ thể “mới” gồm tổng cục, cục thuộc B, cơ quan ngang Bộ; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới; cơ quan cấp tỉnh của tổ chức sẽ được quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều 20 và khoản 2 Điều 23 của Luật Thỏa thuận quốc tế. Dự kiến Nghị định sẽ được ban hành trong quý II năm 2021 và sẽ có hiệu lực cùng với ngày Luật Thỏa thuận quốc tế bắt đầu có hiệu lực, tức là ngày 01/7/2021.

Đối với thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ, trình tự, thủ tục như sau:

- Cơ quan đề xuất (gồm Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ) gửi hồ sơ đề xuất ký kết để lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao và cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp. Các cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến trả lời bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày làm việc.

- Cơ quan đề xuất nghiên cứu tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến, hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với thỏa thuận quốc tế nhân danh Chính phủ; kiến nghị Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định đối với thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước.

- Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ quyết định và tiến hành ký kết hoặc ủy quyền cho một người khác ký thỏa thuận quốc tế.

- Trên cơ sở quyết định bằng văn bản của Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đề xuất hoặc cơ quan khác được phân công tổ chức việc ký kết thỏa thuận quốc tế; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cấp Giấy ủy quyền ký thỏa thuận quốc tế (trừ trường hợp thỏa thuận quốc tế do Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ký). Trước khi tiến hành ký kết, cơ quan đề xuất có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và cơ quan nhà nước có liên quan rà soát, đối chiếu văn bản bằng tiếng Việt với văn bản bằng tiếng nước ngoài để bảo đảm chính xác về nội dung và thống nhất về hình thức.

- Cơ quan đề xuất ký kết báo cáo Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng Chính phủ bằng văn bản, gửi bản sao thỏa thuận quốc tế cho Bộ Ngoại giao và cơ quan, tổ chức có liên quan trong thời hạn 15 ngày.

Đối với các chủ thể “truyền thống” như cơ quan của Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan trung ương của tổ chức, trình tự, thủ tục ký kết về cơ bản kế thừa quy định của Pháp lệnh 2007 và gồm các bước sau:

- Cơ quan ký kết gửi hồ sơ lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao và cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến thỏa thuận quốc tế đó. Các cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến trả lời bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày làm việc.

- Người đứng đầu cơ quan quyết định và tiến hành ký kết hoặc ủy quyền cho một người khác ký thỏa thuận quốc tế sau khi nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến. Trường hợp cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến không đồng ý việc ký kết thỏa thuận quốc tế thì cơ quan đề xuất ký kết báo cáo lên cấp trên có thẩm quyền xem xét, quyết định.

- Trong thời hạn 15 ngày, cơ quan ký kết có trách nhiệm báo cáo cơ quan cấp trên có thẩm quyền bằng văn bản, đồng thời gửi bản sao thỏa thuận quốc tế đã ký cho Bộ Ngoại giao.

h) Nội dung cho ý kiến về đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế

Bộ Ngoại giao cho ý kiến về đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế theo các nội dung sau (Điều 29):

- Sự cần thiết, mục đích ký kết thỏa thuận quốc tế trên cơ sở đánh giá quan hệ giữa Việt Nam và bên ký kết nước ngoài.

- Đánh giá sự phù hợp của thỏa thuận quốc tế với lợi ích quốc gia, dân tộc, đường lối đối ngoại của Việt Nam.

- Đánh giá sự phù hợp của thỏa thuận quốc tế với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

- Đánh giá nội dung của thỏa thuận quốc tế đối với việc làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế.

- Tên gọi, hình thức, danh nghĩa ký kết, cấp ký kết, ngôn ngữ, hiệu lực, kỹ thuật văn bản thỏa thuận quốc tế.

- Việc tuân thủ trình tự, thủ tục đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế.

- Tính thống nhất của văn bản thỏa thuận quốc tế bằng tiếng Việt với văn bản thỏa thuận quốc tế bằng tiếng nước ngoài.

Các cơ quan, tổ chức có liên quan cho ý kiến về đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế theo các nội dung sau (Điều 30):

- Đánh giá sự phù hợp giữa nội dung hợp tác quốc tế của thỏa thuận quốc tế và chủ trương hợp tác quốc tế của ngành, lĩnh vực trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao; yêu cầu về bảo đảm quốc phòng, an ninh (nếu có).

- Đánh giá sự phù hợp giữa nội dung của thỏa thuận quốc tế và quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan.

- Đánh giá tính khả thi và hiệu quả của thỏa thuận quốc tế.

i) Hiệu lực của thỏa thuận quốc tế: Thỏa thuận quốc tế có hiệu lực theo quy định của thỏa thuận quốc tế đó. Trong trường hợp TTQT không quy định về hiệu lực thì thỏa thuận quốc tế đó có hiệu lực theo sự thống nhất bằng văn bản giữa bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài (Điều 32).

k) Sửa đổi, bổ sung, gia hạn thỏa thuận quốc tế; chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế

 Cơ quan, người có thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế thì có thẩm quyền quyết định sửa đổi, bổ sung, gia hạn thỏa thuận quốc tế đó. Trình tự, thủ tục sửa đổi, bổ sung, gia hạn thỏa thuận quốc tế được tiến hành tương tự trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế quy định tại Luật Thỏa thuận quốc tế (Điều 33).

Thỏa thuận quốc tế có thể bị chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện theo quy định của thỏa thuận quốc tế đó hoặc theo thỏa thuận giữa bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài. Bên cạnh đó, nhằm tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, Luật quy định bên ký kết Việt Nam phải chấm dứt hiệu lực hoặc rút khỏi thỏa thuận quốc tế nếu quá trình thực hiện thỏa thuận quốc tế có sự vi phạm một trong các nguyên tắc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế quy định tại Điều 3 của Luật. Cơ quan, người có thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế thì có thẩm quyền quyết định việc chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế đó (Điều 34).

3. Các điều kiện đảm bảo thực hiện Luật

Luật Thỏa thuận quốc tế được ban hành trên cơ sở kế thừa và thay thế Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007. Quá trình xây dựng Luật đã tuân thủ một trong các chủ trương chính sách, quan điểm chỉ đạo là bảo đảm không phình bộ máy, tăng biên chế theo chủ trương tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, các cơ quan, tổ chức ký kết thỏa thuận quốc tế về cơ bản sẽ sử dụng bộ máy, biên chế, cơ sở vật chất hiện có để đảm bảo cho hoạt động ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế, quản lý nhà nước về thỏa thuận quốc tế.

Về kinh phí, Luật quy định kinh phí ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh các cơ quan nhà nước được bảo đảm từ ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động thường xuyên của các cơ quan và các nguồn tài trợ khác theo quy định của pháp luật; kinh phí ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan trung ương của tổ chức, cơ quan cấp tỉnh của tổ chức được bảo đảm từ nguồn tài chính của tổ chức và các nguồn tài trợ khác theo quy định của pháp luật (Điều 50) và giao Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết nội dung này.

So với Pháp lệnh 2007, một trong các nội dung mới của Luật Thỏa thuận quốc tế là quy định về trách nhiệm của cơ quan, đơn vị tham mưu về công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế của cơ quan nhà nước ở trung ương và cơ quan nhà nước cấp tỉnh (Điều 43 và Điều 46), do đó các cơ quan nhà nước ở trung ương và cơ quan nhà nước cấp tỉnh cần chỉ định một đơn vị làm đầu mối về công tác thỏa thuận quốc tế của cơ quan mình và quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của đơn vị này trong công tác thỏa thuận quốc tế.

Ngày 13/11/2020, Quốc hội đã thông qua Luật Thỏa thuận quốc tế số 70/2020/QH14. Cùng với Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Luật Thỏa thuận quốc tế được ban hành nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về công tác ký kết và thực hiện các văn bản hợp tác quốc tế, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và quy định tại Điều 12 Hiến pháp năm 2013 về hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu ký kết thỏa thuận quốc tế (TTQT) của các cơ quan, tổ chức trong cả nước. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2021.

Nguồn: https://pbgdpl.moj.gov.vn

 

[1] Có nghĩa là chỉ TTQT nhân danh Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ mới ràng buộc trách nhiệm thực hiện của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ hoặc cơ quan, tổ chức Việt Nam không ký kết TTQT đó.

Nguồn tin: Phòng Tư pháp Huyện Tân Biên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay1,553
  • Tháng hiện tại25,927
  • Tổng lượt truy cập6,589,560
hoc tap va lam theo
cong khai minh bach
quang ba ten mien .vn
gop y du thao
hop thu dien tu
cong bao tay ninh
Hỏi đáp trực tuyến
Thi hành pháp luật
Cổng Thông Tin Pháp Điển
QR NỘI VỤ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây