Mỏ Công là xã thứ tư của huyện Tân Biên được tỉnh chọn làm điểm xây dựng xã nông thôn mới. mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng các cấp, các ngành cùng toàn thể nhân dân trong xã đã có nhiều cố gắng trong việc huy động các nguồn lực thực hiện đồng bộ các tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới và đã đạt được những thành tựu đáng kể về nhiều mặt.
Đường giao thông nông thôn thì nhiều, phần lớn là đường nhỏ, hẹp và bị xuống cấp, hư hỏng, một số khu dân cư lại ở xa địa bàn trung tâm xã. Để tạo điều kiện thuận tiện cho các phương tiện giao thông đi lại và vận chuyển hàng nông sản của bà con nhân dân. Các cấp, các ngành trong xã đã tập trung huy động đồng bộ các nguồn lực từ nguồn ngân sách của tỉnh, huyện hỗ trợ đến những đóng góp của các tổ chức, cá nhân cùng với sự chung tay góp sức của người dân. đến nay xã đã hoàn thành đưa vào sử dụng 71 tuyến đường trục ấp và các ngõ, xóm, với tổng chiều dài hơn 37,2 km; 7 tuyến nội đồng dài hơn 5,6 km; với kinh phí hơn 37.233.000.000 đồng, đáp ứng theo 4 yêu cầu của tiêu chí đường giao thông nông thôn mới. Hầu hết các tuyến đường giao thông từ trung tâm xã về các ấp đều được cứng hoá bằng trải nhựa hoặc sỏi đỏ; đảm bảo bằng phẳng, đáp ứng yêu cầu của đường giao thông nông thôn mới. góp phần thuận tiện cho giao thông đi lại và vận chuyển hàng nông sản của bà con nhân dân.
Trung tâm kinh tế- xã hội của xã Mỏ Công
Hệ thống thủy lợi được xây dựng theo quy hoạch với tổng số 39 tuyến kênh với chiều dài hơn 44 km, phục vụ cho tưới, tiêu hơn 3.000 ha, đạt hơn 89% diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã, góp phần thiết thực vào phục vụ tưới tiêu, tăng vụ, tăng năng xuất và sản lượng cho các loại cây trồng.
Điện lưới quốc gia được cải tạo, nâng cấp và phát triển đến tận các ấp, khu dân cư vùng nông thôn sâu, nâng tổng số hộ có điện sử dụng thường xuyên, an toàn trong toàn xã đạt 99,74%; xã đã vận động nhân dân chung tay thực hiện chương trình "thắp sáng đường quê" được 8 tuyến với chiều dài hơn 4.000 mét vào các khu dân cư tạo điều kiện cho việc đi lại và đảm bảo an ninh trật tự về ban đêm; góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Giáo dục và đào tạo được Đảng ủy, UBND xã xác định là một trong những nhiệm vụ hàng đầu cần được quan tâm. Trong những năm qua, hệ thống trường học được tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia và kiên cố hóa 6/6 điểm trường: Mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở trong toàn xã, với kinh phí hơn 36.755.000.000 đồng, theo yêu cầu của tiêu chí nông thôn mới. Trong đó, Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, Trường trung học cơ sở Tây Sơn đã được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Chất lượng giáo dục ngày được nâng cao, xã đã thực hiện đạt chuẩn phổ cập mẫu giáo cho trẻ 5 tuổi trước khi bước vào lớp 1 và duy trì phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập trung học cơ sở, xóa mù chữ nhiều năm liền. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục lên trung học phổ thông và học sinh tốt nghiệp vào các trường cao đẳng, đại học mỗi năm đều được nâng cao.
Cơ sở vật chất văn hóa được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp trung tâm văn hóa – thể thao – học tập cộng đồng, nhà văn hóa các ấp với kinh phí hơn 5.780.000.000 đồng, đáp úng phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí và sinh hoạt của nhân dân. Hệ thống bưu điện, internet, thông tin liên lạc được trang bị, hoạt động thông suốt từ xã đến các ấp.
Chợ nông thôn được nâng cấp, mở rộng mặt bằng với diện tích 9.150 m2 và được đầu tư xây dựng với kinh phí trên 300 triệu đồng, với thiết kế đảm bảo kỹ thuật quy trình chợ hạng 3 gồm các khu vực buôn bán, kinh doanh của các hộ tiểu thương khá phù hợp và được sắp xếp, bố trí điều hành, quản lý hoạt động theo tiêu chí chuẩn chợ nông thôn mới, tạo điều kiện thuận tiện cho việc giao thương, buôn bán của người dân.
Hoạt động an sinh xã hội luôn được các cấp, các ngành của xã quan tâm, nhất là nhà ở dân cư, xã đã vận động các doanh nghiệp, các mạnh thường quân, các tổ chức, cá nhân và nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà tình thương cho hộ nghèo, khó khăn về nhà ở, đảm bảo tiêu chuẩn 3 cứng (mái cứng, tường cứng, nền cứng) có niên hạn sử dụng từ 20 năm trở lên, cơ bản xóa nhà tạm, nhà dột nát trong khu dân cư.
Để nâng cao đời sống cho các hộ dân, công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được xã quan tâm; các ngành đã phối hợp mở các lớp dạy nghề như: Kỹ thuật khai thác mủ cao su, trồng rau sạch, chăn nuôi... cho lao động nông thôn và đã giải quyết cho hàng trăm lao động có công ăn, việc làm ổn định, đời sống của nhân dân từng bước ngày một nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm xuống còn 0,86%; tỷ lệ số người tham gia bảo hiểm y tế ngày một tăng, đến nay xã đã vận động 85,02% số dân tham gia bảo hiểm y tế, góp phần thiết thực vào việc căm lo sức khỏe cho nhân dân; các ấp trong toàn xã đều duy trì đạt chuẩn ấp văn hóa nhiều năm liền. An ninh chính trị, Trật tự an toàn xã hội được giữ vững trên địa bàn toàn xã...
Trong những năm qua, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với sự chủ động, sáng tạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền và nhân dân xã Mỏ Công cùng với tinh thần đoàn kết, hợp lực của cả hệ thống chính trị. xã Mỏ Công đã có những thành tựu phát triển đáng kể; bộ mặt nông thôn ngày một đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày một nâng cao; xứng đáng là xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và là xã văn hóa nông thôn mới của huyện Tân Biên.
Đức Thịnh
Ý kiến bạn đọc