Lớp tập huấn được tổ chức trong 5 ngày, từng hội viên nông dân được Trung tâm Khoa học và Công nghệ hướng dẫn phân loại rác tại hộ gia đình thành 4 loại (rác hữu cơ, rác vô cơ, rác thải tái chế và rác thải nguy hại), cách tự làm thiết bị xử lý rác hữu cơ có sự tham gia của chế phẩm vi sinh (sản phẩm do Trung tâm Khoa học và Công nghệ tỉnh phát triển).
Theo đó, thiết bị chứa rác hữu cơ là loại thùng nhựa có thể tích 120lít, được thiết kế lại phần nắp đậy, bên trong có 1 vỉ nhựa bề mặt có nhiều lỗ để nước rỉ rác chảy xuống phía dưới thùng và 1 van xả nước rỉ rác.
Cách sử dụng đơn giản, người dân chỉ cần thu gom rác hữu cơ (thức ăn, rau, củ, quả, cơm dư, thừa …) cần xử lý, cho rác vào thùng, phun 1 lượng nhỏ chế phẩm vi sinh EM lên phần rác, đậy nắp thùng lại, quá trình xử lý (khoảng 60-90 ngày). Phân hữu cơ sau khi lấy ra phơi gió 1 - 2 ngày, sau đó có thể sử dụng bón ngay hoặc trữ lại để sử dụng lâu dài.
Sản phẩm nước rỉ rác và rác thải sau khi xử lý đều có thể sử dụng cho sản xuất nông nghiệp, mà không cần bổ sung thêm phân bón vô cơ. Phân ủ được tạo ra từ thiết bị chứa nhiều nguyên tố đa trung vi lượng có lợi cho đất, làm tăng độ ẩm, độ phì nhiêu cho đất.
Chế phẩm EM làm tăng quá trình phân hủy, cần được bổ sung mỗi ngày khi có thêm rác thải. Một lưu ý nên hạn chế đưa vào lá bạch đàn, lá tràm, lá sả tươi, vỏ cam, quýt vì các loại này chứa tinh dầu làm hại đến sự phát triển của vi sinh vật làm giảm hiệu quả sử dụng chế phẩm EM.
Mỗi hội viên tham gia tập huấn được Trung tâm khoa học và Công nghệ hỗ trợ 1 thiết bị xử lý rác hữu cơ, 1 sọt đựng rác, 1 bình xịt và 5 lít chế phẩm sinh học EM (5 lít/ 150.000 đồng).
Sau tập huấn từng hội viên nông dân thực hiện tại hộ gia đình và hướng dẫn nhân rộng trên địa bàn dân cư.
Nguồn tin: Duy Phú
Ý kiến bạn đọc