Với sự quyết tâm, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, anh Nguyễn Văn Bình ấp Gò Cát xã Tân Phong, huyện Tân Biên đã vượt khó vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Trước đây, gia đình anh không có vốn để đầu tư sản xuất nên phải đi làm thuê, cuộc sống nhiều khó khăn. Năm 2011, anh Bình được Hội nông dân xã Tân Phong xét cho vay với số vốn 8 triệu đồng từ chương trình vay vốn hộ nghèo để mua 1 con bò giống về nuôi. Hàng ngày, thời gian rảnh rỗi anh Bình tìm nguồn thức ăn có sẵn từ cỏ, rơm, thân cây bắp để nuôi bò. Trong quá trình nuôi, anh cũng thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phòng ngừa dịch bệnh.
Nhờ biết tìm tòi, vận dụng kĩ thuật tiến bộ và tận dụng các phụ phẩm từ nông nghiệp nên đàn bò của anh phát triển ổn định và mạnh dạn vay vốn thêm để phát triển đàn bò, vươn lên làm giàu. Theo những người nuôi bò có kinh nghiệm, việc chăn nuôi bò đạt hiệu quả cao phụ thuộc rất lớn vào công chăm sóc và theo dõi bệnh, phát triển thể trạng từng ngày với mỗi con bò.
Sau 4 năm, anh đã bán được 4 con bê, giá trên 50 triệu đồng. Gia đình anh đã trả vốn vay từ Chương trình hộ nghèo, đàn bò phát triển lên được 6 con bò cái, 2 con bê và gia đình anh được công nhận thoát nghèo.
Anh cho biết: “Trước đây gia đình tôi thuộc hộ nghèo của xã, gia đình rất khó khăn. Nhờ nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH tôi mua một con bò giống, đến nay đàn bò ngày càng phát triển trước đây khi bò có giá tôi bán 1 năm 10 con bò lời từ 100 đến 200 triệu đồng/ năm. Nuôi bò dễ chăm sóc, nguồn thức ăn cũng dễ kiếm, lấy công làm lời, mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lời được mấy chục triệu đồng, giờ cuộc sống gia đình tôi đã thoát nghèo, sống ổn định”.
Anh chia sẻ thêm: Trong quá trình nuôi nuôi bò sinh sản, quá trình thực hiện ban đầu gặp không ít khó khăn do thiếu kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi nên đàn bò của gia đình tôi phát triển chậm. Nhờ được tham gia các lớp tập huấn do xã tổ chức và tự nghiên cứu thêm trên sách, báo, mạng internet cũng như tham quan các mô hình thực tế tại xã nên tôi đã có thêm kiến thức áp dụng vào thực tế chăn nuôi của gia đình.
Sau 9 năm đàn bò của gia đình anh phát triển tốt và đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt theo từng năm. Từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm, gia đình anh bán ra thị trường từ 6 đến 8 con bò, đem lại thu nhập ơn 100 triệu đồng mỗi năm. Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách, gia đình anh đã trả được nợ ngân hàng và vươn lên thoát nghèo.
Anh Binh chia sẻ: “Nguồn vốn chính sách thực sự đã thay đổi cuộc sống gia đình tôi. Từ hộ nghèo của xã, đến nay gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo và có thu nhập ổn định. Thời gian tới, tôi mong muốn tiếp tục được vay vốn NHCSXH để mở rộng quy mô chăn nuôi, thoát nghèo bền vững. Theo tôi, để có được thành quả như ngày hôm nay, bên cạnh sự tiếp sức của nguồn vốn, bản thân mình cần có sự quyết tâm và tìm hiểu về con giống mà mình định đầu tư. Ngoài ra cần tự tìm tòi, nghiên cứu để áp dụng khoa học kỹ thuật vào thực hiện mô hình thì hiệu quả mới cao”.
Bà Mai Sinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phong cho biết: “Anh Bình là hội viên nông dân tiêu biểu trong việc sử dụng vốn vươn lên thoát nghèo, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt cho các hội viên có nhu cầu. Thời gian tới, hội sẽ tiếp tục tạo điều kiện để nhiều hội viên khác vay vốn ưu đãi phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt phù hợp, từng bước vươn lên thoát nghèo, làm giàu.”
Bà Sinh cho biết thêm: “Hằng năm Hội nông dân xã xét anh Bình là Hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Năm vừa rồi anh Bình được nhận giấy khen của UBND huyện công nhận là Hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi 3 năm liền. Đó là kết quả của việc vay vốn ngân hàng CSXH và được Nhà nước, Chính quyền địa phương quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện để gia đình anh thoát hộ nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Định kỳ hàng tháng thành viên đều duy trì sinh hoạt tổ, nội dung sinh hoạt phong phú để trao đổi, học tập, truyền đạt các kinh nghiệm trong chăn nuôi, sản xuất. Đồng thời, lấy lợi ích kinh tế làm động lực để tập hợp đông đảo nông dân vào Hội, coi trọng phương châm “vận động đi đôi với hỗ trợ nông dân”; Mong rằng sắp tới đây Ngân hàng CSXH huyện mở rộng đối tượng cho vay, để phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, tạo điều kiện để hội viên nông dân và Nhân dân được vay thêm các nguồn vốn phát triển kinh tế; tiếp tục phối hợp tốt với các tổ chức đoàn thể cơ sở tập huấn, hướng dẫn, triển khai hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, đào tạo nghề, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho người dân, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay của người vay nâng cao chất lượng hoạt động chi, tổ Hội góp phần xây dựng tổ chức Hội nông dân ngày càng vững mạnh. Tiến tới xây dựng xã nông thôn mới nâng cao trong đó có tiêu chí giảm hộ nghèo, tăng hộ khá giàu thực hiện trong năm 2023”.
Để phát huy hiệu quả nguồn vốn, thời gian qua Hội Nông dân đã tích cực tuyên truyền, vận động, giúp cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn hiểu rõ hơn mục đích, ý nghĩa và tầm qua trọng của việc xây dựng và phát triển quỹ hỗ trợ nông dân. Trong quá trình bình xét cho vay Hội Nông dân đã tiến hành khảo sát các hộ có nhu cầu tham gia vốn, trong đó ưu tiên lựa chọn các hộ có tinh thần trách nhiệm cao trong việc sử dụng nguồn vốn và có điều kiện để phát huy hiệu quả nguồn vốn.
Hội còn định hướng cho các hộ vay vốn trong việc sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích; Vận động hội viên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt. Cán bộ hội cũng thường xuyên xuống tận các hộ vay vốn kiểm tra, theo dõi quá trình sử dụng vốn của hội viên, góp phần đảm bảo việc hội viên sử dụng vốn đúng mục đích phát triển sản xuất hiệu quả.
Với nhiều người dân, nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội là điểm tựa vững chắc, và là động lực quan trọng giúp các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trang trải cuộc sống, tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Qua đó, kinh tế gia đình mang lại lợi ích thiết thực cho người dân nhất là những hộ thiếu vốn sản xuất, giúp cho các hộ gia đình và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng nguồn vốn có hiệu quả. Đây thực sự là “điểm tựa” giúp nhiều hội viên nông dân đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương mình.
Nguồn tin: Mai Kim Sinh
Ý kiến bạn đọc